Sinh (1925-1970) tại Tokyo, tốt nghiệp khoa Luật Đại học Tokyo năm 1947, sau đó làm việc cho Bộ tài chính. Sau 9 tháng, ông từ chức và bắt đầu viết văn. Ngày 25 tháng 11 năm 1970, ông tự sát tại doanh trại Ichigaya của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, sau khi hoàn thành những trang cuối bản thảo “Năm dấu suy của người trời” – tập thứ 4 trong tác phẩm trường thiên Biển phì nhiêu.
Các tác phẩm của Mishima Yukio đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được yêu thích trên toàn thế giới. Các tác phẩm tiêu biểu: Khát vọng yêu đương (năm 1950), Tiếng triều dâng (năm 1954, giải thưởng Văn học Shinchosha), Kim các tự (năm 1956, giải thưởng Văn học Yomiuri), Sau bữa tiệc (năm 1960)…
Mishima sinh năm 1925, con trai của một quan chức chính phủ. Tên thật của ông là Kimitaka Hiraoka. Bố ông vốn không muốn con trai mình đi theo nghiệp văn chương chữ nghĩa nên ông phải đổi tên để viết trộm. Hiraoka được nuôi nấng và trưởng thành dưới sự giám sát chặt chẽ của bà nội. Trong thế chiến II, nhà văn được miễn nghĩa vụ quân sự, ông làm việc trong một nhà máy. Đây là điều khiến Mishima day dứt suốt cuộc đời. Nhà văn cho rằng mình đã sống sót một cách đáng xấu hổ trong khi rất nhiều người khác phải đổ máu ngoài chiến trường.
Sau chiến tranh thế giới II, Mishima học luật tại Đại học Hoàng gia Tokyo. Trước khi dấn thân vào sự nghiệp văn chương, ông làm việc một năm trong Bộ Tài chính. Năm 1946, ông gặp gỡ Kawabata Yasunari, người sau đó đã giới thiệu những truyện ngắn đầu tay của ông với một vài tạp chí văn học uy tín. Confessions of a Mask (Lời thú nhận của người đeo mặt nạ - 1949) là tác phẩm đầu tiên ghi lại dấu ấn tên tuổi của Mishima trên văn đàn. Cuốn sách chính là một lối thoát giúp nhà văn giải tỏa những cảm xúc của chính mình khi phát hiện bản thân là người đồng tính. Trong truyện, nhân vật người kể chuyện thú nhận, ông đã phải tự trang bị cho mình một chiếc mặt nạ "bình thường" để tránh sự xoi mói của xã hội.
Mishima chịu ảnh hưởng lớn của chủ nghĩa yêu nước trung quân truyền thống và tinh thần võ sĩ đạo samurai của Nhật Bản, tuy ông vẫn diện đồ tây và ở nhà tây. Năm 1968, ông thành lập Hiệp hội Shield (Tate no Kai - Hội lá chắn) - một tổ chức bán quân sự tập hợp khoảng 100 thanh niên trai tráng với mục đích chấn hưng tinh thần võ sĩ đạo Bushido, tán dương chủ nghĩa quốc gia và bảo vệ Hoàng đế Nhật. Không biết do đâu, Hội lá chắn cũng được quyền tham gia huấn luyện cùng quân đội Nhật. Ngày 25/11/1970, ông cùng những người bạn bao vây Cục Phòng vệ Nhật Bản ở Tokyo, bắt giam Tướng Kanetoshi Mashita và xúi giục quân sĩ tiến hành chính biến. Lời thỉnh cầu này của ông gặp sự phản ứng dữ dội của quân đội. Thất bại, tuân thủ tinh thần võ sĩ đạo, ngày 25/11/1970, ông đã tự sát bằng cách tự mổ bụng moi gan theo nghi thức seppuku. Trước khi chết nhà văn còn hô to: "Hoàng đế muôn năm".
Cũng trong ngày cuối cùng của cuộc đời mình, ông giao nốt cho nhà xuất bản những trang viết còn lại của bộ cuốn tiểu thuyết The Sea of Fertility.
Cái chết của Mishima được tác giả Christopher Ross miêu tả trong cuốn sách Mishima's Sword (Lưỡi kiếm của Mishima) như sau: "Lưỡi kiếm đã ngập sâu vào khoang bụng cỡ 10 cm, ông ấn lưỡi kiếm chầm chậm từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, mở toác từng lớp da. Máu tràn ra lênh láng trên sàn nhà. Một cuộn nội tạng màu hồng hồng xam xám nhờ nhờ thòi ra từ vết thương. Mùi tanh nồng xông lên khắp căn phòng". Không thanh lịch, không tao nhã, nghi thức chết của Mishima cũng không hề khoa trương. Nhà văn từng gợi ý cho một nhà báo là nên quay lại cảnh ông tự sát. Nhưng họ cũng không chuẩn bị gì trước để đón nhận sự kiện này. Khoảng 2 giờ trước khi tiến hành nghi thức tự sát, ông gọi điện cho hai phóng viên và úp mở với họ rằng: "Có chuyện sắp sửa xảy ra".
Cái chết của nhà văn lúc bấy giờ đã gây nên một chấn động dữ dội không chỉ với Nhật Bản mà đặc biệt là đối với người phương Tây. Nhiều học giả phương Tây đã đến Nhật Bản để tìm hiểu ý nghĩa cái chết của ông: Liệu đó là một bức thông điệp chính trị của nhà văn hay là một tác phẩm nghệ thuật cuối cùng của ông theo tinh thần võ sĩ đạo. Cho đến nay, hầu như họ không có được câu trả lời như mong đợi.
Người dân Nhật hiện đại ngày nay coi cái chết phi thường của nhà văn là vô nghĩa, là "ngớ ngẩn" và "không đáng". Tác giả của cuốn sách Mishima's Sword - Christopher Ross - kể: Trong một lần Ross đang ngồi đọc các tác phẩm của Mishima trong một hàng cà phê sách, một nhân viên cửa hàng bảo ông: "Mishima là quá khứ, không phải là hiện tại và càng không phải là tương lai".
Dẫu vậy, Yukio Mishima vẫn là một tên tuổi quan trọng trên văn đàn Nhật thế kỷ 20.