Nhà thơ Phùng Quán (1932 – 1995) là một tài năng độc đáo trên văn đàn nước ta từ giữa thế kỷ XX đến nay. Tuy nhiên, số phận trớ trêu đã sớm đặt ông lên bàn thử thách, nổi tiếng sớm và cũng gặp trắc trở sớm. Đúng như Ông tự bạch: “22 tuổi tôi phải nhấn thân vào một cuộc chiến đấu còn nguy hiểm hơn, là là chống tệ quan liêu, ăn cắp, lãng phí của công và thói dối trá đạo đức giả, những hiểm họa đang rình phục tổ quốc và nhân dân tôi…”. Và chỉ hai bài thơ “Chống tham ô lãng phí” và “Lời Mẹ dặn” viết năm 1956, Ông đã phải đánh đổi gần như cả cuộc đời mình với 15 năm lao động cải tạo và 32 năm treo bút.
Giờ đây chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng, đây là hai bài thơ đầu tiên trong văn học cách mạng chống tệ quan liêu lãng phí và ăn cắp của dân “…Những con sói quan liêu/Nhe răng rứt thịt da cách mạng/Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ/Kim phút, kim giờ lép gầy như bụng đói…”. Hơn 32 năm treo bút đối với một nhà thơ là một cực hình, ông phải mượn tên người khác viết “văn chui” kiếm từng đồng nhuận bút nuôi vợ con. “Trong trăm nghìn nỗi đói/Tôi nếm trãi cả rồi…”.
Ông cũng đã từng thú nhận, trong những năm treo bút, ông đã câu trộm hơn chục tấn cá ở Hồ Tây để nuôi gia đình và thết đãi đãi bạn bè. Còn theo nhà thơ Ngô Minh, người bạn vong niên của Phùng Quán và là người quản lý quỹ Phùng Quán hiện nay, thì trong thời gian treo bút, Phùng Quán đã “viết chui” và in hơn 40 cuốn truyện tranh và khoảng 10 tác phẩm văn xuôi khác, trong đó có 3 tập bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Tuổi thơ dữ dội”.