Đọc tác phẩm “Chữ A màu đỏ” của Nathaniel từ đầu tới cuối tôi đều cảm thấy trong mình tràn dâng những cảm xúc mãnh liệt. Cái cách kể chuyện và miêu tả tâm lý nhân vật với những đoạn độc thoại nội tâm gay gắt của người phụ nữ ngoại tình chính là những trang văn in dấu sâu đậm nhất trong tôi. Tôi đã phải tập trung tất cả mọi trí lực và cảm xúc của mình để theo dõi câu chuyện hấp dẫn này. Một câu chuyện cảm động về nghị lực, sự can đảm và tình yêu cuộc sống vô bờ bến của một người phụ nữ trót mang tội trong xã hội. Với tôi, nó cũng thật sự là một câu chuyện quá đẹp giữa cuộc sống này, nó đem lại cho tôi nhiều tin yêu, nhiều mạnh mẽ và nhiều hi vọng. Những cuốn sách đã trải qua thăng trầm của thời gian để còn lại, để sáng hơn và đem đến cho những độc giả của hôm nay nhiều trải nghiệm sâu sắc hơn. Một câu chuyện về “Chữ A màu đỏ” khép lại, nhưng đã đem lại cho tôi cái nhìn thấu hiểu hơn đối với số phận và nghị lực của những người phụ nữ ngoại tình. Những người phụ nữ ấy không phải ai cũng xấu xa và đáng trách. Họ có những tâm tư thầm kín mà chỉ khi có được sự thấu hiểu và đồng cảm thực sự chúng ta mới có thể hiểu được. Đây là một trong số những câu chuyện nghiệt ngã nhất về số phận của người phụ nữ mà tôi đã từng được biết. Tôi đã đọc cuốn sách với tâm trạng bế tắc, đau đớn, hận thù và hoàn toàn bất lực. Ngay khi bắt đầu đọc “chữ A màu đỏ” tôi đã ngưỡng mộ cô. Tôi chăm chú theo dõi từng bước chân của chị trên hành trình mà chị đang đi. Tôi không rời mắt khỏi con người chị và những người xung quanh chị dù chỉ một giây phút. Và tôi đã nhận ra rằng ánh mắt của những người bên cạnh chị khi nhìn theo chị đã dần khác. Tôi không còn cảm thấy cái ánh mắt ngột ngạt hằn học và căm giận nữa. Tôi bắt gặp một ánh mắt yêu thương, tha thứ, và đồng cảm. Quả thực cuộc sống, tình yêu và sự hi sinh trong sáng của cô đã khiến cho cộng đồng không thể quay lưng với cô nữa. Cô sống giản dị, điềm đạm như biết bao nhiêu người đàn bà khác. Người đời không còn trách cô nữa. Tôi nghĩ đó là điều đương nhiên cô đáng nhận được với những gì mà cô đã trải qua. Tấm lòng nhân hậu đã khiến cho chữ A màu đỏ trên người cô trở thành một dấu vết phai nhòa của quá khứ xa xôi, mà hiện tại khi nhìn về phía cô gái đã từng mang tiếng ngoại tình, chửa hoang ấy người ta chỉ cảm tháy lòng yêu thương, vị tha, và một nguồn an ủi đồng cảm vô tận với số phận của những người phụ nữ trong xã hội này.
Chữ A màu đỏ, tiểu thuyết của Nathaniel Hawthorne, xuất bản năm 1850, đã được nhiều nhà phê bình đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất của nền văn học thế giới.Câu chuyện xảy ra ở Boston, thủ phủ ban Massachuselle (thuộc miền New England đông bắc nước Mỹ) trong những năm 1640, vào một thời mà xã hội miền này bị giam hãm trong vòng luật lệ và giáo lý nghiệt ngã của nhà thờ Thanh giáo.Một người phụ nữ tên là Hester Prynne, vì một đứa con hoang, đã bị kết án bêu trên bục tội nhân ba tiếng đồng hồ trước công chúng và chịu hình phạt mang một chữ A màu đỏ cài trên ngực cho đến hết đời. chữ A màu đỏ là dấu sỉ nhục về tội ngoại tình (chữ A là chữ đầu từ Adultery : tội ngoại tình).Không ai ngờ được rằng người bố của đứa con hoang ấy lại là người đảm nhiệm phần hồn của Hester Prynne, mục sư Arthur Dimmesdale, một giáo sĩ trẻ đầy tài năng, được con chiên ngưỡng mộ như một vị thiên thần.Hester Prynne chịu đựng nỗi nhục nhã đau đớn. Còn Arthur Dimmesdale, bị sự dày vò khủng khiếp của lòng hối hận, ngày một gầy mòn xanh xao. Thế nhưng quần chúng không hề hay biết gì cả, vẫn sùng kính anh như một vị thánh sống.Giữa lúc đó, xuất hiện thêm một nhân vật, hình thành đủ bộ ba trong diễn biến xung đột của câu chuyện. Đó là chồng của Hester, một con người tuổi đã xế chiều, khô lạnh, dị dạng, mà Hester không hề yêu. Lão đã sống cuộc đời lang bạt, nay vừa đến đây thì thấy vợ trên cái bục ô nhục. Lão bắt đầu một cuộc săn tìm kẻ tình địch để báo thù. Buộc vợ thề không bao giờ lộ tung tích của lão ra, lão đội cái tên giả Roger Chillingworthe, xuất hiện giữa cộng đồng Thanh giáo Boston với danh nghĩa là một thầy thuốc.Như vậy là tác giả Nathaniel Hawthorne đã bắt đầu câu chuyện ở chỗ mà phương sách xử lý cốt truyện cổ truyền thường kết thúc. Mối quan tâm của Hawthorne không phải là ở giai đoạn diễn biến một cuộc tình duyên éo le, mà là ở tâm lý của các nhân vật trong giai đoạn tiếp sau đầy khủng hoảng quyết liệt, và những vấn đề triết lý sâu xa rút ra từ những tình tiết trong cảnh huống ấy.Hester Prynne nhẫn nhục chịu đựng nỗi đau đớn ê chề trước sự ghê sợ khinh bỉ và nhục mạ của mọi người. Chị không bỏ đi nơi khác để làm lại cuộc đời, mà tiếp tục ở lại giữa mảnh đất đã ruồng rẫy chị, coi đó là một định mệnh. Chị giữ một phong cách giản dị khổ hạnh, tích cực lao động kiếm sống cho mình và cho đứa con gái nhỏ. Con người bị xã hội khinh rẻ đã thể hiện một tấm lòng nồng hậu và nhân đạo, tự nguyện làm một bà phước, tận tụy săn sóc cưu mang những người nghèo khổ, ốm đau.Sau những năm dài, cuộc sống trong sáng của chị đã biện hộ cho chị. Dần dần người ta có thiện cảm với chị, tha thứ cho lỗi lầm của chị. Chữ A màu đỏ chỉ còn là một dấu vết của quá khứ đã lùi xa về phía sau, biến thành một biểu tượng mang một ý nghĩa khác : ý nghĩa của sự tích cực, của lòng thương người, của nguồn an ủi.Trong suốt thời gian Hester Prynne triền miên chịu sỉ nhục thì mục sư Arthur Dimmesdale cũng triền miên day dứt, hối hận trong lòng. Sự hối hận thôi thúc anh bộc bạch tội lỗi, nhưng anh không đủ dũng khí, chỉ dùng được những lời ám chỉ để tự phê phán. Nhưng anh càng tự phê phán thì người ta lại càng kính trọng anh. Và anh thấy khổ sở tự ghê tởm mình. Quá trình dày vò dai dẳng ấy làm anh ngày càng héo hon tiều tụy.Lão Roger Chillingworthe từ khi xuất hiện ở Boston đã tiếp cận Dimmesdale, ngỏ ý muốn chữa bệnh cho anh. Những diễn biến đặc biệt trong sự đau ốm của thể chất và tâm thần anh làm lão sinh nghi, càng quyết tâm thâm dò, tìm hiểu. Nhân dân Boston vui mừng vì Thượng đế đã cho một vị bác sĩ y khoa lỗi lạc đến chăm sóc sức khỏe người mục sư mà họ xiết bao yêu quý. Người ta bố trí cho lão ở chung một nhà với Dimmesdale. Bằng sự sắc sảo của một đầu óc thông thái và quỷ quyệt, lão đã dần dần phát hiện và đi đến khẳng định anh chính là kẻ tình địch mà lão đang săn tìm. Thế là từ đấy lão bám sát anh, báo thù theo cách của lão, dùng mọi thủ đoạn kích động hành hạ cho Dimmesdale thêm đau đớn.Bảy năm đằng đẳng trôi qua với sự im lặng chịu đựng của Hester, với nỗi thống khổ khắc khoải trong tâm hồn Dimmesdale mà lão Chillingworth đã nhai xé cho ngày càng trầm trọng, khiến sức khỏe của anh suy sụp chỉ còn như ngọn lửa chập chờn sắp lụi tàn. Hester Prynne thấy giấu kính tông tích lão chồng cũ không phải là tránh được tai họa cho Dimmesdale, nên chị rút bỏ lời thề, nói cho Dimmesdale rõ sự thực. Hai người nhận thấy âm mưu báo thù của lão Chillingworth còn xấu xa hơn nhiều so với tội lỗi của họ. Họ bàn tính cùng nhau bỏ đi thật xa, làm lại cuộc đời.Nhưng Roger Chillingworth biết được ý đồ ấy. Vậy là chỉ còn một nơi để thoát khỏi tay lão : đó là bục tội hình.Ngay sau buổi thuyết giáo của Dimmesdale trong một ngày hội tụ tập đông đảo quần chúng, Dimmesdale gọi Hester và con gái cùng bước lên bục tội hình, nơi mà bảy năm về trước, Hester một mình chịu hình phạt. Đứng trên bục, Dimmesdale bộc lộ lỗi lầm của mình trước đám đông bàng hoàng sững sốt. Vượt qua được ngưỡng cửa của cuộc đấu tranh nội tâm ghê gớm, dành được chiến thắng trong cơn thống khổ cực độ, chàng mục sư trẻ gục xuống trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của Hester Prynne.*Đọc Nathaniel Hawthorne, chúng ta tiếp xúc với một phong cách đặc biệt, với những diễn biến phức tạp, mãnh liệt trong chiều sâu tư duy, tâm hồn nhân vật. Tác giả kể chuyện, nêu những tình tiết xảy ra rồi phân tích, gợi lên những điều triết lý sâu sắc trong tâm khảm, trong tính cách của từng người, từng lớp người, hoặc của quảng đại quần chúng. Giá trị các tác phẩm của Nathaniel Hawthorne là ở sự phân tích tỉ mỉ, sâu rộng về nội tâm.Hawthorne thừa kế truyền thống nghiêm ngặt của nhà thờ Thanh giáo ; ông quan tâm đến cái mà các nhà thần học thường gọi là “tội lỗi vốn có” của loài người (original sin). Nhưng ông đả phá tính hẹp hòi, cố chấp và tàn ác của nhà thờ Thanh giáo New England. Những tác phẩm của ông thấm nhuần tính nhân đạo sâu sắc. Vấn đề tội lỗi là đề tài được lặp đi lặp lại trong nhiều cuốn truyện của Hawthorne nhưng sự chú ý của Hawthorne không phải là ở bản thân tội lỗi mà là tập trung vào tác động tâm lý do tội lỗi gây ra. Trước con mắt của Hawthorne, tội lỗi lớn nhất Chữ A màu đỏ không phải là tội ngoại tình của Hester Prynne, cũng không phải là tội của Dimmesdale, mà là tội của Roger Chillingworth đã xúc phạm vào cõi thiêng liêng trong tâm hồn Dimmesdale.Hawthorne đã miệt mài để hết tâm trí vào cuộc tranh luận kéo dài năm này sang năm khác về bản chất con người. Trong thế kỷ đương thời, có một dòng tư tưởng lãng mạn tích cực, nhấn mạnh rằng con người bẩm sinh là tốt. Quan điểm này, xuất phát từ Jean Jacques Rousseau và người đề xướng quan điểm này trong văn học Mỹ là Emerson. Hawthorne không lãnh đạm trước sức quyến rũ của tư tưởng tích cực này. Việc Hawthorne xử lý tính cách nhân vật Hester Prynne trong Chữ A màu đỏ tỏ rõ một tấm lòng đồng tình thương cảm. Hester là một phụ nữ cương nghị. Chị không hối hận về hành vi ngoại tình với mục sư Dimmesdale. Chị cũng không đồng tình với nỗi cắn rứt lương tâm của Dimmesdale. Chị nói với Dimmesdale : “Điều chúng ta đã làm có một tính thánh hóa của riêng nó”. Khi chị ngồi với chàng mục sư trong rừng, chị đã bứt chữ A màu đỏ ra khỏi ngực mình và vứt xuống đất. Việc Hester vứt cái dấu sỉ nhục ấy đi là sự “nổi loạn” của chị.Thế nhưng, câu chuyện cũng viện ra nhiều lý lẽ để bảo vệ luật pháp và lương tâm. Dimmesdale không còn tìm cách trốn đi như đã dự tính, mà trái lại, Dimmesdale đã bước lên bục tội hình, bộc lộ thẳng thắng lỗi lầm trước công chúng rồi chịu chết, yên tâm đã chiến thắng bản thân.Các tiểu thuyết của Hawthorne cho hư danh là mọi tội lỗi lớn, dù đó là để bảo toàn thanh danh mình (như Dimmesdale, đóng vai đạo đức giả suốt bảy năm trời). Con người chỉ có thể được “cứu vớt” nhờ sự khiêm nhường, chịu khuất phục ý trí của Đấng thiên liêng. Sự khiêm nhường là yếu tố hòa hợp, cân bằng trong mối quan hệ giữa người với người.Hawthorne đặc biệt nổi bật ở quan điểm về cái thiện và cái ác bên trong một con người. Trong nhiều truyện ngắn và truyện dài sáng tác cả trước và sau Chữ A màu đỏ, cũng như trong truyện này, Hawthorne đã luôn luôn nghiền ngẫm về những mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau giữa cái tốt và cái xấu, về cái xu hướng hòa làm một hoặc đảo chỗ cho nhau giữa hai nhân tố ấy trong từng cá nhân. Dưới một bề ngoài mô phạm đạo đức, bên trong vẫn có những điều đáng hổ thẹn, thậm chí những vết nhơ và tội ác ; ngược lại, dưới cái bề ngoài tội lỗi bị khinh bỉ và bị lên án, lại có một tâm hồn nhân ái, vị tha.Một đặc điểm khác của Hawthorne là tài sử dụng thành thạo lối phúng dụ – tức diễn đạt ngụ ý (allegory) – và lối dùng hình ảnh tượng trưng (symbolism`. Phép diễn đạt ngụ ý và bằng tượng trưng của Hawthorne đặc biệt thành công trong câu chuyện về chữ A màu đỏ, mà nhiều đoạn đã lộ rõ ý của tác giả muốn mô tả thành một truyền thuyết. Mỗi địa điểm, mỗi nhân vật và mỗi sự kiện đều mang một ý nghĩa sâu rộng hơn. Bục tội hình – như một đoạn đầu đài – mang ý nghĩa của sự trừng phạt trong đoạn đầu câu chuyện, và mang ý nghĩa của sự chuộc tội trong đoạn cuối. Rừng hoang là một nơi mà con người sa vào con đường lầm lạc về mặt tinh thần đạo lý. Khóm tầm xuân trước cửa nhà tù, mụ già Hibbins, v.v…, đều mang một ngụ ý. Bản thân chữ A màu đỏ là tượng trung cho tội ngoại tình; ; nhưng còn hơn thế, nó tượng trưng cho mọi tội lỗi ; và khi người ta càng mở rộng tầm của nó ra xa thêm, thì nó lại tượng trưng cho tất cả mọi lỗi lầm và yếu kém ngăn trở sự vận động thỏa đáng của xã hội loài người. Và oái oăm thay, cái chữ A màu đỏ sỉ nhục ấy lại tiến đến chỗ biến thành một biểu tượng mang ý nghĩa khác hẳn : ý nghĩa của lòng nhân ái, của nguồn an ủi, ý nghĩa của chiếc thánh giá trên ngực người nữ tu sĩ, trước con mắt của những tín đồ Thanh giáo khắc nghiệt! Ở Hawthorne, sự sụp ngã của một con người là sự sụp ngã có phúc. Qua tội lỗi và đau khổ, con người đạt tới một chiều sâu tâm hồn và một chiều rộng nhãn quan, mà nếu không va vấp và chịu sự hành xác thì không thể nào đạt tới được.Nathaniel Hawthorne còn có một khả năng nhạy bén về thuật kết cấu câu chuyện (architectonic sense). Cấu trúc của truyện chữ A màu đỏ chặt chẽ. Bốn nhân vật (Hester Prynne, Arthur Dimmesdale, Roger Chillingworth, và bé Pearl) gắn chặt vào nhau trong cái mạng tơ vò của một cảnh huống cuộc đời dường như không thể nào có giải pháp. Việc tác giả sử dụng với một sự sắp đặt cố ý cái bục bêu tội nhân ở ba lớp chủ yếu của câu chuyện (đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn kết) tạo ra sự thống nhất về diễn biến một quá trình diễn biến phát triển chậm rãi nhưng không khoan nhượng đến điểm tột đỉnh là cuộc thú tội của Dimmesdale trước công chúng.Phong cách viết đi vào cõi nội tâm, phân tích những điều triết lý sâu sắc bên trong tinh thần của sự vật khả năng phát triển ý nghĩa của các hình ảnh tượng trưng, cộng với kỹ năng viết điêu luyện – tất cả những đức tính nói trên đã tạo nên cái hay đặc thù của Hawthorne và đã làm cho các tác phẩm của ông được đánh giá cao, gây được sức thuyết phục mạnh mẽ đối với những độc giả từ giữa thế kỷ 20 trở về sau. Hawthorne đã được xem là một nhà văn lớn, một trong những nhà viết tiểu thuyết có tài năng nhất trong nền văn học Mỹ.*Nathaniel Hawthorne sinh năm 1804 ở Salem, bang Massachusetts (miền đông bắc nước Mỹ) thuộc một dòng họ người Anh đã đến đây từ năm 1630 và đã góp phần tạo ra khu định cư đầu tiên của thuộc địa Anh ở miền này, mà những người thực dân Anh đầu tiên đặt tên là “nước Anh mới” (New England).Tại miền này, vào cuối thế kỷ thứ 17, tức khoảng 100 năm trước cuộc Cách mạng nước Mỹ, một số tín đồ Thanh giáo cuồng tín cho rằng con người có thể bán mình cho quỷ dữ và trở thành phù thủy. Thân sinh ra ông nội Nathaniel Hawthorne sống vào thời ấy, là một quan tòa Thanh giáo khắc nghiệt đã kết án treo cổ nhiều người bị gán cái tội ấy. Một trong những nạn nhân của ông đã phát một lời trù rủa độc địa cho ông ta và con cháu ông ta sau này. Những sự kiện này đã có ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ của Nathaniel Hawthorne và tác động đến các sáng tác của ông.Bố của Hawthorne là một thuyền trưởng, chết trong một chuyến đi biển, lúc Hawthorne mới bốn tuổi. Tâm trạng đau buồn đã khiến người mẹ tự tách biệt khỏi xã hội, sống ẩn dật. Nếp sống đó cũng có ảnh hưởng tới Nathaniel Hawthorne sau này.Khi đang học ở trường đại học Bôdân (Bowdoin), năm 1828, Hawthorne đã bắt đầu tập viết văn và mang hoài bão muốn trở thành nhà văn lớn. Sau khi tốt nghiệp đại học trở về Salem, Hawthorne trong một thời gian dài vẫn giấu kín bút danh, đóng kín cửa đọc sách, nghiên cứu rèn luyện tư duy và khả năng văn học. Mùa hè, ông đi thăm nơi này nơi nọ trong miền New England, hòa mình vào quần chúng ở các phiên chợ và các cuộc tụ tập, quan sát, tìm hiểu cuộc sống. Trong quá trình tự đào tạo ông đã viết nhiều truyện ngắn, nhưng thường viết xong, ông lại hủy bỏ. Mãi đến năm 1837, ông mới cho ra mắt được cuốn sách đầu tiên mang tên ông. Đó là cuốn Những truyện kể lại vài lần (Twice told tales) tập hợp một số truyện ngắn mà ông đã viết trong những năm qua.Ông xin vào làm ở Sở Thuế quan Boston. Năm 1842, ông cưới vợ và về sống ở một ngôi nhà mục sư cổ tại Concord (cũng bang Massachusetts) trong bốn năm, tiếp tục viết. Một tập truyện ngắn ra đời cuối thời kỳ này với nhan đề “Những mảng rêu từ một ngôi nhà mục sư cổ” (Mosses from an Old Manse) 1846. Chính thời kỳ này đã được ông nhắc đến trong phần mở đầu cuốn Chữ A màu đỏ.Là một đảng viên dân chủ, ông được chính quyền Đảng Dân chủ của Tổng thống Polk cho vào làm ở Phòng Thuế quan Salem. Ba năm sau, Đảng Uých (Whig) lên cầm quyền, ông mất việc. Trong nỗi chán ngán, ông đã ngồi viết Chữ A màu đỏ.Hôm ngồi đọc lại bản thảo cuốn truyện đã hoàn thành này, nhiều lần ông ứa nước mắt. Phải tóm bắt được những giây phút như thế mới hiểu thấu được tâm hồn ông. Cuốn Chữ A màu đỏ đã lập tức làm ông nổi tiếng không những ở Mỹ mà ở cả nước Anh vốn khó tính đối với tác phẩm của các nhà văn Mỹ.Những năm tiếp theo vẫn là thời kỳ đỉnh cao cuộc đời sáng tác của Nathaniel Hawthorne. Ông đã viết cuốn Ngôi nhà bảy đầu hồi (The House of the Seven Gables) cũng là một tác phẩm trứ danh (1851), cuốn Câu chuyện tình ở Blithedale (The Blithedale Romance) (1852), một số truyện cho trẻ em như Cuốn sách kỳ diệu cho các bé gái bé trai (Wonder Book for Girls and Boys) (1852) và Những truyện kể về rừng rậm cho các bé gái bé trai (Tanglewood Tales for Girls and Boys) (1853).Năm 1853, Tổng thống Mỹ Franklin Pierce, bạn học cũ của Hawthorne, cử ông đi làm lãnh sự Mỹ tại Livơpun (Anh). Gia đình ông sang ở Anh từ 1853 đến 1858. Sau đó ông đi du lịch sang lục địa châu Âu. Trong thời kỳ này, Nathaniel Hawthorne viết thêm cuốn Thần Đồng nội bằng cẩm thạch (The Marble Faun) (1860). Đây là cuốn truyện viết hoàn chỉnh cuối cùng của ông, nói về cái thiện và cái ác trong lòng người.1860, Hawthorne cùng gia đình trở về Mỹ. Những truyện ông viết về cuối đời đều dở dang, chất lượng sút kém. Một lý do nào đấy, không xác định được, đã làm khô cạn tài năng sáng tạo của ông. Nathaniel Hawthorne mất năm 1864, vừa tròn 60 tuổi. Sau khi ông mất, bạn bè tập hợp lại những đoạn bản thảo chưa hoàn thành, xuất bản một số cuốn : Septimius Pelion (1872), “Mối tình Dolliver” (1876), Bí mật của bác sĩ Grimghawe (1883) và Dấu chân tổ tiên (1883).Nói về sáng tác của Hawthorne, người ta không quên nhắc đến những tác phẩm ông viết cho trẻ em. Ông đã đưa một sắc thái hoàn toàn mới mẽ vào nền văn học phục vụ thiếu nhi. Không phải với phương pháp mượn một câu chuyện kể để răn dạy, thuyết giáo con trẻ, ông đã trân trọng viết cho thiếu nhi như viết cho người lớn, có chiều sâu tư tưởng và lực truyền cảm mạnh mẽ. Cuốn sách viết cho thiếu nhi của ông được nhiều người biết tiếng nhất là cuốn Những truyện kể về rừng rậm cho các bé gái bé trai (1853). Nhà văn lớn này đã cống hiến cho thiếu nhi, cũng như đã phục vụ cho người lớn, tài năng đầy chất thơ và tri thức sâu sắc của mình về bản chất con người.NGƯỜI DỊCH Mời các bạn đón đọc Chữ A Màu Đỏ của tác giả Nathaniel Hawthorne.