Trong vô vàn thách thức đa dạng và thú vị mà chúng ta phải đối mặt ngày nay, thách thức lớn nhất và quan trọng nhất là làm thế nào để nắm bắt và định hình được cuộc cách mạng công nghệ mới, cuộc cách mạng chắc chắn kéo theo sự biến đổi của nhân loại. Chúng ta đang đứng trước thềm một cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc, và liên hệ với nhau. Tôi cho là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư này sẽ không giống với bất cứ điều gì nhân loại đã từng trải qua cả về quy mô, phạm vi và độ phức tạp của nó.
Chúng ta vẫn chưa nắm bắt được đầy đủ tốc độ và phạm vi ảnh hưởng của cuộc cách mạng mới này. Khả năng hàng tỷ người được kết nối thông qua các thiết bị di động vốn sở hữu những tính năng chưa từng có trong tốc độ xử lý, dung lượng lưu trữ và tiếp cận các kiến thức là không giới hạn. Hoặc nghĩ về sự hội tụ đáng kinh ngạc của những đột phá công nghệ mới nổi, bao gồm các lĩnh vực trên quy mô rộng lớn có thể kể đến như trí thông minh nhân tạo (AI), rô bốt, mạng lưới vạn vật kết nối internet (Internet of things – IOT), các phương tiện không người lái, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và máy tính lượng tử. Nhiều công nghệ trong số đó đang ở giai đoạn “trứng nước” nhưng đã đạt được bước ngoặt trong sự phát triển bởi chúng dựa vào nhau và tăng cường lẫn nhau bằng sự kết hợp giữa các công nghệ của thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học.
Chúng ta đang chứng kiến những biến đổi sâu sắc trên tất cả các ngành công nghiệp, đánh dấu bằng sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, sự phá vỡ1 của các mô hình hiện tại và sự định hình lại hệ thống sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển và giao nhận. Về mặt xã hội, một sự thay đổi hệ hình (paradigm shift) cũng diễn ra trong cách chúng ta làm việc và giao tiếp, cũng như cách chúng ta thể hiện mình, tiếp cận thông tin và giải trí. Tương tự như vậy, các chính phủ và các tổ chức đang được định hình lại, một số trong đó phải kể đến như hệ thống giáo dục, y tế, giao thông vận tải. Những cách thức mới trong việc sử dụng công nghệ để thay đổi hành vi và các hệ thống sản xuất, tiêu thụ của chúng ta cũng thúc đẩy tiềm năng hỗ trợ quá trình tái tạo và bảo tồn môi trường tự nhiên, chứ không phải là tạo ra các chi phí ẩn dưới hình thức ngoại ứng.
Những biến đổi này mang tính lịch sử cả về quy mô, tốc độ và phạm vi ảnh hưởng của nó.
Khi những bất ổn sâu sắc xung quanh việc phát triển và áp dụng các công nghệ mới nổi đồng nghĩa với việc chúng ta vẫn chưa biết những biến đổi gây ra bởi cuộc cách mạng công nghiệp này sẽ diễn ra như thế nào, độ phức tạp và sự liên hệ lẫn nhau giữa các khu vực ngụ ý rằng tất cả các bên liên quan của xã hội toàn cầu – chính phủ, doanh nghiệp, giới học giả, và xã hội dân sự – có trách nhiệm làm việc cùng nhau để hiểu rõ hơn về xu hướng mới nổi này.
Chia sẻ sự hiểu biết đặc biệt quan trọng nếu chúng ta muốn định hình một tương lai chung phản ánh những mục tiêu và giá trị chung. Chúng ta cần phải có một góc nhìn chia sẻ toàn diện và toàn cầu về việc công nghệ thay đổi cuộc sống của chúng ta và của những thế hệ tương lai như thế nào, và nó đang định hình lại các bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân loại mà chúng ta đang sống ra sao.
Những biến đổi này sâu sắc đến mức, từ góc độ của lịch sử loài người, chưa từng có một sự hứa hẹn nào hoặc rủi ro tiềm tàng nào lớn hơn. Tuy nhiên, tôi lo ngại rằng những người ra quyết định thường bị mắc kẹt trong tư duy tuyến tính truyền thống (và thiếu sự đột phá) hoặc chú ý quá nhiều đến những mối bận tâm trước mắt ngăn cản họ có được những suy nghĩ mang tính chiến lược về các lực gây nên sự đổ vỡ và đổi mới vốn đang định hình tương lai của chúng ta.
Tôi cũng nhận thấy rõ ràng là một số học giả và chuyên gia cho rằng sự phát triển mà tôi đang nói đến chỉ đơn thuần là một phần của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Tuy nhiên, có ba lý do củng cố niềm tin của tôi rằng cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra, đó là:
Tốc độ: Trái với những cuộc cách mạng trước đây, cuộc cách mạng này tiến triển với một tốc độ theo cấp số lũy thừa chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Đây là kết quả của một thế giới đa diện, kết nối sâu sắc nơi mà chúng ta đang sống và thực tế là công nghệ mới luôn sinh ra những công nghệ mới hơn và tân tiến hơn.
Phạm vi và chiều sâu: Cuộc cách mạng này dựa trên cuộc cách mạng số và kết hợp nhiều công nghệ dẫn đến những thay đổi chưa có tiền lệ trong mô hình kinh tế, kinh doanh, xã hội, và cá nhân. Nó không chỉ thay đổi mục đích làm việc và cách thức thực hiện, mà còn thay đổi chính con người chúng ta.
Tác động hệ thống: Nó bao gồm sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống, trên khắp (và giữa) các quốc gia, các công ty, các ngành công nghiệp và toàn thể xã hội.
Khi viết cuốn sách này, mục đích của tôi là mang đến một cuốn sách hướng dẫn về cuộc công nghiệp lần thứ tư – nó là gì, nó sẽ đem tới những gì, nó sẽ ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào, và cần phải làm gì để khai thác nó cho lợi ích chung. Cuốn sách này dành cho tất cả những ai quan tâm đến tương lai của chúng ta, những người được giao trọng trách tận dụng các cơ hội của sự thay đổi mang tính cách mạng này giúp cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.