Cuốn sách “Babel: Vòng Quanh Thế Giới Qua 20 Ngôn Ngữ” đưa bạn phiêu lưu qua 20 ngôn ngữ tiêu biểu trên thế giới, từ những “người khổng lồ” như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha đến những “ngôn ngữ nhỏ bé” như tiếng Hmong, tiếng Quechua. Mỗi chương là một bài viết ngắn gọn, súc tích, vẽ nên bức tranh sinh động về một ngôn ngữ riêng biệt. Hơn cả kiến thức ngôn ngữ học, “Babel” còn dẫn dắt bạn khám phá những vấn đề xã hội, văn hóa, lịch sử ẩn sau mỗi ngôn ngữ. Bạn sẽ hiểu được vì sao tiếng Anh thống trị toàn cầu, tiếng Việt có đến 6 thanh điệu, hay tiếng Do Thái được xem là “ngôn ngữ của Chúa”.
Dù bạn không có nền tảng ngôn ngữ học, “Babel” vẫn dễ dàng tiếp cận nhờ lối viết hóm hỉnh, dí dỏm của tác giả. Các chương được tổ chức khoa học, với nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn “ngộ” ra những khái niệm tưởng chừng khó hiểu một cách dễ dàng.
Tóm tắt nội dung trong sách “Babel: Vòng Quanh Thế Giới Qua 20 Ngôn Ngữ”
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Babel: Vòng Quanh Thế Giới Qua 20 Ngôn Ngữ — Vô cùng dễ đọc […] Dorren vừa là một nhà ngôn ngữ học tài năng ghê gớm vừa là một cây bút có năng lực viết cực kỳ thuyết phục. Bạn không thể ước kiếm được cuốn sách hướng dẫn nào tốt hơn thế về những kỳ quan trong mê hồn trận các ngôn ngữ của thế giới.”
– MAIL ON SUNDAY
“Những người say mê nghiên cứu ngôn từ sẽ thu được nhiều niềm vui thích từ cuốn sách này […] Các ngọn tháp Babel tất yếu sẽ sụp đổ, nhưng sẽ có thứ gì đó lớn lao và có lẽ thậm chí là vĩ đại hơn luôn luôn mọc lên thế chỗ chúng.”
– THE NEW ZEALAND LISTENER
“Điều tuyệt vời ở Babel: Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ là bạn không cần phải đồng ý với những kết luận của Dorren mới có thể thấy thích nó – đây là một cuốn sách vừa vui nhộn vừa mang tính giáo dục, và trên hết, đọc nó mang lại cho bạn rất rất nhiều sự thích thú.”
– NPR
“Một cuốn sách hướng dẫn vô cùng cuốn hút và một bản tụng ca sự đa dạng của ngôn ngữ cũng như năng lực song ngữ.”
– THE GUARDIAN — Tiếng Việt 85 triệu người sử dụng
Khoảng 75 triệu người nói tiếng Việt bản ngữ sống ở Việt Nam, nơi tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức duy nhất; nửa triệu người sống ở Campuchia. Khoảng 2 triệu người Việt sống ở Hoa Kỳ, và các nước Pháp, Úc, Canada, Đức, Cộng hòa Séc và Vương quốc Liên hiệp Anh cũng có những lượng người Việt đáng kể sinh sống. Có khoảng 5 đến 10 triệu người nói tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai, phần lớn là người dân tộc thiểu số, ở Việt Nam.
TỰ ĐỊNH DANH TIẾNG VIỆT, đôi khi gọi là TIẾNG VIỆT NAM hoặc VIỆT NGỮ.
NGỮ HỆ Tiếng Việt tách khỏi hầu hết các ngôn ngữ phổ biến khác trong ngữ hệ Nam Á, trong đó có tiếng Khmer, tức quốc ngữ của Campuchia. Hơn 100 ngôn ngữ nhỏ hơn, cũng thuộc ngữ hệ Nam Á, được các dân tộc thiểu số sử dụng trên khắp các vùng thuộc Đông Nam Á và Đông Ấn.
BỘ KÝ TỰ Mẫu tự Latinh, với một lượng dấu phụ (dấu thanh) đáng kể. Cho đến đầu thế kỷ 20, chữ viết dựa trên chữ Hán vẫn được sử dụng.
NGỮ PHÁP Xem phần nội dung chính.
PHÁT ÂM Xem phần nội dung chính.
TỪ MƯỢN Vào thời tiền sử, người ta đã tiếp nhận và sử dụng các thuật ngữ nông nghiệp từ nhóm các ngôn ngữ Thái ở vùng lân cận. Một lượng khổng lồ các từ trong tiếng Hán cổ đã được vay mượn trong một giai đoạn kéo dài khoảng 2.000 năm, cho đến giữa thế kỷ 20; theo các ước tính, có khoảng 30-60% từ vựng trong tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Hán. Trong thời kỳ Việt Nam là thuộc địa của Pháp, rất nhiều từ tiếng Pháp đã được tiếp nhận và cải biến cho phù hợp với hệ thống phát âm và đánh vần của tiếng Việt. Ngày nay, các từ tiếng Anh được tiếp nhận từng chút một vào tiếng Việt. Xem phần nội dung chính để biết thêm các ví dụ.
TỪ CHO MƯỢN Tiếng Anh chủ yếu sử dụng các từ tiếng Việt để chỉ các yếu tố thuộc văn hóa Việt. Từ được nhiều người biết đến nhất có lẽ là pho (PHỞ), một món ăn chan nước dùng rất được ưa chuộng. Trong chiến tranh Việt Nam, một số từ tiếng Việt thâm nhập từng chút một vào nhóm các từ chuyên ngành của quân đội Mỹ trong giai đoạn đó, như di di (ĐI ĐI) với nghĩa “đi ra chỗ khác”, quan canh (QUÂN CẢNH) với nghĩa “cảnh sát quân đội” và so mot (SỐ MỘT) với nghĩa “tuyệt nhất”, nghĩa đen là “số một”.
KHÓ KHĂN VỀ GIỌNG về mặt phát âm và từ vựng, tiếng Việt có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng, tuy không có sự khác biệt lớn đến như vậy về ngữ pháp. Đối với người học ngôn ngữ này, đây chính là khó khăn lớn nhất: dễ dàng phân biệt các giọng chủ đạo trong tiếng Việt, nhưng việc hiểu chúng khó hơn nhiều, đặc biệt là những giọng được sử dụng ở miền Nam. Thật vậy, ngay cả người nói tiếng Việt bản ngữ ở miền Bắc cũng gặp khó khăn trong việc xử lý những giọng địa phương ít quen thuộc với họ, được sử dụng ở miền Nam. Cách phát âm tiêu chuẩn được khuyến nghị trong tiếng Việt là một hỗn hợp của một số đặc điểm ngữ âm miền Nam và một số đặc điểm ngữ âm khác gần với miền Bắc.
CHINH PHỤC NGỌN NÚI NGÔN NGỮ Bác học tiếng Việt một năm và ruỗi – không, phải là: rưỡi – rồi nhưng chưa có thể nói không được! Tôi nói câu này khi khoảng thời gian ba tuần ở Hà Nội của tôi đã trôi qua được một nửa.
Những từ ấy phát ra một cách ngập ngừng, nhưng tôi thấy Loan, giáo viên của tôi, gật đầu, như vậy có thể tôi đang thật sự nói được những gì tôi cố gắng nói ra: rằng tôi đã học tiếng Việt được một năm rưỡi rồi và tôi vẫn không thể nói được tiếng Việt. Có thật tôi đã thành công trong việc truyền đạt ý nghĩ đó? Nếu thật sự tôi đã thành công, thì tôi vừa sản xuất ra phát biểu tiếng Việt dài nhất – và cũng đầy rẫy nghịch lý nhất – của mình từ trước đến nay.
Loan (phát âm là /loan/ (‘lwahn’ trong nguyên bản – ND)) im lặng trong giây lát. Sau đó cô lắc đầu. “Cùng sửa câu đó nào.”
Tôi bỏ qua cảm giác nặng nề và cố gắng thể hiện tâm lý nhẹ nhàng khi đáp lại: “Tại sao? Cháu cảm thấy bác sai khi nói rằng bác không thể nói tiếng Việt à?”
“Câu đó có vài lỗi,” và cô bắt đầu liệt kê chúng. “Giờ hãy nói lại.”
“Bác học tiếng Việt một năm rưỡi rồi nhưng chưa thể nói được.”
Tôi thích học với Loan. Cô bé không chỉ nói tiếng Anh tốt (mặc dù đây có thể là con dao hai lưỡi), mà còn hoạt bát, vui tính và đầy nhiệt huyết với việc học ngôn ngữ của cả cô lẫn học trò của cô. Chúng tôi đã cùng nhau ghé thăm một bảo tàng, một hiệu sách và một quán ăn, và cô thậm chí còn giới thiệu tôi với một vài người bạn của cô. Nhưng khi cô vào vai một giáo viên tâm huyết, không thể phủ nhận rằng cô có thể hơi nghiêm khắc. Thay vì khích lệ những tiến bộ tôi có thể sẽ đạt được, cô bé đặt một niềm tin quá chắc chắn vào tác dụng thúc đẩy của sự thất vọng khi cô nói những câu kiểu như, “Tại sao bác không biết từ đó, bác? Chúng ta vừa đọc nó hôm qua mà!”
“Chắc chắn rồi, nhưng bác không thể nào nhớ từng từ chúng ta đã từng nghe hay đọc qua, cháu (cháu gái), thậm chí nửa số đó cũng chưa chắc! Học từ vựng tiếng Việt thật khó khăn – nó thật khó!”*
“Biết thế, nhưng bác nên cố gắng nhớ. Bác là một học sinh giỏi mà!”
Tôi ưỡn ngực.
“Nhưng đúng là kỹ năng giao tiếp tiếng Việt của bác vẫn chưa cải thiện nhiều lắm.”
Tôi gù người xuống.
“Tuy nhiên kỹ năng này của bác cũng đã tiến bộ ở mức nào đó. Và phát âm của bác thì rõ ràng đã có tiến bộ.”
Nhưng không phải vào lúc này, nó không tiến bộ chút nào, bởi vì lời khen hiếm hoi khiến tôi không thốt nên lời. Đó là cách chúng tôi nói chuyện với nhau, giáo viên người Việt mới 20 tuổi của tôi và tôi.
Nhưng lý do ban đầu khiến tôi phải tới ở đây, xa bạn bè và gia đình gần một vạn cây số, vật lộn với một ngôn ngữ mà, ngoại trừ những người nước ngoài kỳ lạ sống và làm việc ở Việt Nam, chỉ những người nước ngoài kỳ lạ nhất mới mạo hiểm lao đầu vào? Điều gì khiến tôi làm việc này? Câu trả lời là: cuốn sách này khiến tôi làm vậy.
Đền Ngọc Sơn ở trung tâm Hà Nội. Trong nhiều thế kỷ, hầu hết các văn bản chữ Hán đều được viết bằng văn ngôn. Một phiên bản khác của các ký tự trong ngôn ngữ này đã được chỉnh sửa cho phù hợp với tiếng Việt.
Như tôi đã đề cập ở phần giới thiệu, một người cần học 20 ngôn ngữ để có thể nói chuyện với một nửa dân số thế giới bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Một số người đã thực sự làm được điều đó. Tôi đã từng bắt tay Alexander Argüelles, một người Mỹ đa ngữ, người nói được 16 hay 17 ngôn ngữ trong nhóm các ngôn ngữ Babel và nhiều ngôn ngữ khác không nằm trong nhóm 20 ngôn ngữ đứng đầu này. Riêng tôi, ở một thời điểm nào đó trong đời mình, tôi đã học 7 trong số 20 ngôn ngữ ấy (tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ), dẫn đến những mức độ thông thạo khác nhau, từ mức thuần thục cho tới (thường là) sơ sơ vừa đủ để có thể coi là từng biết qua. Ý tưởng thử học toàn bộ 20 ngôn ngữ thật sự đã khiến tôi ngứa ngáy trong giây lát. Nhưng tôi sớm nhận ra rằng tôi thậm chí sẽ không bao giờ nắm được hết kiến thức cơ bản của tất cả những ngôn ngữ ấy trong khuôn khổ thời gian mà nhà xuất bản, tài khoản ngân hàng hoặc, thật vậy, tuổi thọ của tôi cho phép. Vì thế, tôi quyết định thử chỉ một – nhưng phải là một ngôn ngữ đầy thách thức.
Tiếng Việt có vẻ là một lựa chọn tốt. Không như các lựa chọn khác, như tiếng Ả Rập, tiếng Hindi và tiếng Hàn Quốc, nó không đòi hỏi người ta học cả một bảng chữ cái mới, cũng không phải học, lạy trời tha thứ, hàng nghìn chữ Hán. Và vì tiếng Việt sẽ là “nhân vật” chính cho chương mở đầu, nó sẽ cho phép tôi chạm một chút vào từng nét trong số nhiều nét đặc thù của các ngôn ngữ ngoài tiếng Anh ngay từ phần đầu cuốn sách này. Một động lực nữa, có tính cá nhân, là niềm hy vọng khi ấy của tôi rằng có thể gọi được Tuyet*, cô dọn nhà người Việt Nam của gia đình tôi, bằng tiếng mẹ đẻ của cô ấy, và cá nhân tôi sẽ thích thú hơn cả nếu khiến cho cô ấy bất ngờ khi tôi làm điều đó. Và tôi đã quyết định, chọn một cuốn sách tự học hấp dẫn đối với mình* và bắt đầu hành trình của mình. Chương này sẽ kể lại hành trình ấy.
LÀM QUEN BAN ĐẦU Tiếng Việt trong văn viết gây cho tôi một ấn tượng sửng sốt ban đầu: không một ngôn ngữ nào khác mà tôi biết lại có nhiều dấu phụ đến vậy. Khi còn là một cậu bé, tôi đã từng cảm thấy tờ tạp chí Paris Match của bố tôi là kỳ lạ, bởi rất nhiều những ký tự é, à và î và vô vàn những dấu lược, nhưng so với tiếng Việt, tiếng Pháp trông vẫn còn đơn sơ và mộc hơn. Với không dưới 9 dấu phụ khác nhau (á, à, ả, ã, ạ, â, ă, đ và ơ – tôi thích cách gọi không chính thống “o có râu” mà người ta dùng cho ký tự có dấu cuối cùng này), tiếng Việt là ngôn ngữ dành cho những người có đôi mắt tinh nhạy. Những từ và thậm chí những chữ cái mang một vài dấu phụ không hề hiếm gặp: tôi sớm khám phá ra rằng cái tên Tuyet thực ra được viết là Tuyết (và nó có nghĩa là “snow”).
Những dấu phụ này là thiết yếu để đảm bảo việc phát âm chính xác, nhưng chúng cũng bổ sung một phần đáng kể vào gánh nặng ghi nhớ. May mắn thay, tiếng Việt ở dạng viết dường như cũng có mặt ưu việt: gần như tất cả các từ đều là từ đơn âm tiết. Các từ có 6 ký tự trở xuống hẳn phải dễ nhớ hơn những từ trông như con rết, rất thông dụng trong tiếng Đức, tiếng Nga và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Thêm một tin tốt: không như tiếng Anh, cách đánh vần tiếng Việt phản ánh khá chính xác cách phát âm. Không phải tất cả các nguyên tắc đánh vần đều hợp lý một cách trực quan. Tại sao lại có tới 3 cách khác nhau để viết âm /z/ – và tại sao chữ z không phải là 1 trong 3 cách đó? Và, tại sao có tới 3 cách khác nhau để viết âm /k/? (Mặc dù, tất nhiên, trong tiếng Anh, chúng ta cũng viết can, keen và queen thay vì kan, keen và kween.) Một điểm rắc rối nữa của tiếng Việt là sự phân biệt giữa t và th, trong đó chữ đầu tiên đại diện cho âm /t/, chữ sau biểu thị cho âm /th/ – tức âm /t/ kèm theo một hơi nhẹ bật ra từ miệng. Trong tiếng Anh, cả hai âm đều chỉ được chúng ta viết là t, vì thế chúng ta khó có thể phàn nàn khi mà tiếng Việt chuộng cách phân biệt rõ ràng, chính xác hơn.
Về tổng thể, tôi cho rằng phát âm tiếng Việt là dễ, nếu như không có một vấn đề lớn mà ai cũng nhìn thấy nhưng ngại nhắc đến, cái vấn đề to lù lù gây nhức nhối trong đa số ngôn ngữ Đông Á: thanh điệu. Mỗi từ phải được phát âm theo một “điệu” trong một quỹ âm gồm tổng cộng 6 “điệu”. Tôi đã biết điều này từ trước, nhưng tôi hy vọng rằng, với tư cách một người dùng bản ngữ của một ngôn ngữ địa phương có nhiều thanh điệu (tiếng địa phương vùng Limburg), tôi sẽ xử lý được vấn đề này một cách nhẹ nhàng. Thực tế không may mắn như vậy: 6 thanh rất khác với số lượng 2 thanh ít ỏi quen thuộc của tôi. Dùng sai thanh, từ “ở đây” sẽ biến thành “ở kia” (ĐÂY, ĐẤY), và nghĩa của từ ĐI chuyển từ “lên đường” thành “gái mại dâm” (ĐĨ), “bìu dương vật” hoặc “đối xử tồi tệ” (cả hai đều được đại diện bằng từ ĐÌ). May sao, cách đánh vần trong tiếng Việt rất hữu ích: 5 trong số 9 dấu phụ được dùng để chỉ ra thanh chính xác; thanh thứ 6 được xác định bằng sự vắng mặt của 5 dấu phụ này. Hệ quả là việc viết lách trong tiếng Việt bao gồm hai phần quan trọng tương đương nhau: chữ và dấu phụ.
Có một sự khó lường trong ngữ pháp tiếng Việt. Một đằng, ở tất cả những tình huống mà kinh nghiệm mách bảo tôi rằng hãy chuẩn bị tinh thần mà bỏ ra nhiều công sức, nó hóa ra lại rất dễ. Chia động từ, thử thách của đa số ngôn ngữ ở châu Âu? Không đáng để nói đến trong tiếng Việt: bạn chỉ cần bổ sung một vài ngữ tố đơn giản không bao giờ thay đổi, và thậm chí còn có thể lược bỏ những ngữ tố đó. Cách của danh từ*, như trong tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, nhóm ngôn ngữ Slav và tiếng Đức? Gần như không tồn tại trong tiếng Việt. Dạng số nhiều bất quy tắc, như trong nhóm ngôn ngữ Slav*, tiếng Đan Mạch và tiếng Đức? Tiếng Việt thậm chí còn chẳng có dạng số nhiều. Tất cả những thứ này có thể được tóm tắt như sau: không có đuôi ngữ pháp trong tiếng Việt! Các từ trong tiếng Việt luôn giữ nguyên dạng. Chúng không bao giờ biến đổi hình thái. Khó tin, nhưng là sự thật.
Nhưng ngay khi tôi bắt đầu hy vọng rằng tiếng Việt thực ra có thể còn dễ hơn tôi nghĩ, thì một vài con quỷ gremlin xuất hiện.
Gremlin 1: đại từ nhân xưng, những thứ… kinh khủng khiếp, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu bây giờ. Vấn đề với đại từ trong tiếng Việt nằm ở chỗ chúng quá nhiều. Bạn không đơn thuần nói I (tôi) và you (bạn) – có rất nhiều từ dùng để chỉ “tôi” và “bạn” cho bạn lựa chọn, một phần dựa vào giới tính, nhưng cũng dựa vào mức độ được kính trọng và tuổi tác. Đại từ mà bạn chọn tạo ra một loại quan hệ đặc thù. Thậm chí nếu bạn sử dụng từ trung tính nhất để chỉ “tôi”, tức từ TÔI, nó cũng không thực sự trung tính, bởi nó khiến bạn nghe có vẻ xa cách, không phải là cách để kết thêm bạn bè.
Phổ biến hơn cả những đại từ trung tính hoặc không thân mật, là những đại từ mà nếu dịch theo nghĩa đen sẽ đồng nghĩa với tất cả các loại quan hệ gia đình. Nếu bạn nhiều tuổi hơn tôi ở mức độ nào đó, tôi sẽ gọi bạn là ANH (anh trai trong gia đình) hoặc CHỊ (chị gái trong gia đình), trong khi tự xưng là EM (người em ít tuổi hơn trong gia đình). Tuy nhiên, nếu bạn nhỏ tuổi hơn, tôi sẽ gọi bạn là EM và tự xưng mình (một người có giới tính nam) là ANH. Chú ý rằng cả 3 từ đều có thể mang nghĩa “tôi” hoặc “bạn”, tùy thuộc vào việc ai đang dùng các từ ấy để nói với ai. Nếu các nhân vật trong cuộc đối thoại tiếng Việt sử dụng các đại từ này, điều đầu tiên cần làm là suy luận, dựa trên ngữ cảnh, xem ai nhỏ tuổi hơn và ai nhiều tuổi hơn, để bạn có thể biết được đại từ nào được dùng để chỉ người nào. Các từ hoàn toàn khác những từ trên sẽ góp mặt vào câu chuyện nếu có sự chênh lệch lớn hơn nữa về tuổi tác. Lý do Loan và tôi gọi nhau là BÁC và CHÁU (nghĩa đen: “bác trai/bác gái” và “cháu trai/cháu gái”) trong cuộc đối thoại trên là: tuổi của tôi sàn sàn tuổi của bố mẹ cô bé. Tiện đây cũng xin nói rằng, tôi không đơn thuần đưa những từ này vào cuộc đối thoại ấy chỉ để cho có màu sắc địa phương: người Việt Nam thực sự thường xuyên sử dụng những từ này ngay cả khi nói tiếng Anh.
Gremlin 2: là thứ mà tôi sẽ gọi là “câu mê cung”. Tất nhiên, khi bạn bắt đầu học sử dụng một ngôn ngữ mới, việc có cảm giác không biết bắt đầu từ đâu là điều bình thường. Nhưng ở các ngôn ngữ khác, ngay cả khi nghĩa của từ không rõ ràng, tôi thường thường vẫn có thể luận ra từ đó thuộc loại nào. Vô vàn dấu hiệu – đuôi ngữ pháp, các mạo từ và đại từ kế bên, vân vân – giúp tôi nhận ra xem mình đang bị làm khó bởi một động từ, hay đang bối rối trước một danh từ, hay đang lúng túng trước một tính từ. Điều này hữu ích và khiến người ta cảm thấy an tâm, kiểu như vẫn có khả năng nhận ra các hình dạng mơ hồ trong bóng tối. Nhưng vì tiếng Việt không có cả đuôi ngữ pháp lẫn mạo từ nhưng lại có quá nhiều đại từ, người ta rất dễ bị lạc hoàn toàn trong một câu tiếng Việt.
Tôi sớm khám phá ra một trở ngại khác. Nhiều từ thông dụng trong tiếng Việt có thể vừa là động từ, danh từ, tiền giới từ* hoặc một loại thành phần của lời nói khác, với các nghĩa có hoặc không hề liên quan. CHỈ có thể mang nghĩa “chỉ trỏ” hoặc “duy nhất”. Ở thường mang nghĩa “ở”, tức tiền giới từ chỉ vị trí, nhưng cũng có thể mang nghĩa “ở lại”. LÀ có thể mang nghĩa “có tính chất” (“có bản chất”, “có tính”, “có nghề nghiệp”, vân vân) nhưng cũng có thể mang nghĩa “rằng”, như trong “cô ấy nói là…”. Và ĐƯỢC mang nhiều nghĩa và mục đích ngữ pháp khác nhau, như tôi đã được cảnh báo, đến mức người ta chỉ có thể hy vọng hình thành được cảm giác về từ này sau rất nhiều và rất nhiều lần thực hành.
Vẫn còn một con gremlin nữa: trật tự của từ. Trật tự cơ bản rất dễ: chủ ngữ, động từ, tân ngữ, giống như trong tiếng Anh. Tính từ đi sau danh từ của chúng, khác tiếng Anh, nhưng hoàn toàn không có gì lạ trong tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha. Không may thay, các loại từ và ngữ tiếng Việt khác đều cầu kỳ và không nhất quán trong cách chúng chọn vị trí ưa thích. Một từ mang nghĩa “rất, lắm” đứng trước tính từ (RẤT LỚN), từ khác cũng chỉ nghĩa đó lại đứng sau tính từ (LỚN LẮM). Cụm từ KHI NÀO khi đứng ở cuối câu thường mang nghĩa chỉ quá khứ, trong khi nó lại mang nghĩa chỉ tương lai khi được đặt ở đầu câu. Một ngữ tố dùng để chỉ thời gian đứng trước động từ (ĐÃ), ngữ tố khác mang nghĩa tương tự lại đứng sau động từ (RỒI). Vân vân, và vân khiến-người-ta-phát-rồ vân.
Phát âm và ngữ pháp có những phần khó, nhưng cũng có khá nhiều phần dễ. Trong từ vựng, phần dễ rất ít và hiếm. Với những ảnh hưởng từ châu Âu mà Việt Nam đã trải qua từ cuối thế kỷ 19, tôi mong sẽ gặp vô vàn từ mượn. Giá mà mọi chuyện được như thế! Ngoại trừ các tên nước ngoài và một số từ hiếm hoi được lấy từ ngoại ngữ, văn bản tiếng Việt được hợp thành từ các tổ hợp xa lạ và hoàn toàn không thể thông hiểu, mỗi tổ hợp này bao gồm từ một tới sáu chữ cái, và người ta phải học chúng bằng cách học thuộc lòng. Tôi buộc phải nói rằng viễn cảnh phải học tiếng Việt như vậy không khiến tôi có thêm động lực cho lắm.
Cả những cuộc chạm trán thực tế đầu tiên của tôi với ngôn ngữ này cũng vậy. Tôi vừa có một bài diễn thuyết TED về những phước may, ở cả dạng đơn lẻ lẫn dạng nhóm, của việc cùng lúc biết nhiều ngôn ngữ, trong đó tôi đề cập đến những tình huống hài hước tôi gặp với tiếng Việt, khi một thanh niên, có vẻ là người Đông Á, gọi tôi. Tôi không hiểu những gì cậu ta nói, dù chỉ một từ. Cậu ta chuyển sang nói tiếng Đức, giúp tôi hiểu dễ hơn, để giải thích rằng cậu ta vừa chào tôi bằng tiếng mẹ đẻ của cậu ta – một câu tôi thực ra đã gặp ở bài học đầu tiên nhưng đã không thể nhận ra. Và một thời gian sau, khi tôi chào cô dọn nhà cho nhà tôi, cô Tuyết, bằng tiếng Việt, phản ứng của cô thể hiện sự khó chịu hơn là niềm bất ngờ thích thú. Tôi đoán là đại từ mà tôi đã chọn ngụ ý rằng cô trẻ hơn cái tuổi 60 của cô, mà trong tiếng Việt đó lại không phải là một lời khen.
Đầu tháng Tư, sau 6 tháng vật lộn, tôi tạm dừng.
SỰ GHẺ LẠNH VÀ MỐI QUAN HỆ ĐƯỢC HÂM NÓNG Suốt mùa hè, khi tôi đang viết cuốn sách này, tiếng Việt không khiến cho tôi cảm thấy hứng thú. Nhưng những tháng hè này cũng đưa tôi tới một vài nơi ở các vùng biên của châu Âu, nơi người ta dùng các ngôn ngữ có lượng người sử dụng tương đối nhỏ (tiếng Bulgaria, tiếng Thụy Điển và tiếng Ireland), và tôi cảm thấy niềm khát khao học ngôn ngữ của tôi đang trở lại. Khi thời điểm phải viết chương này về tiếng Việt tới ngày một gần, tôi bắt đầu ghét cái ý nghĩ rằng tôi đã bỏ cuộc quá sớm. Và vào một buổi tối tháng Mười lạnh lẽo, khi đang thở phì phò trong phòng tập gym, tôi đã quyết định: tôi sẽ lại tiếp tục những gì đang bị gián đoạn, nhưng trong những điều kiện tạo nhiều cảm hứng hơn. Tôi sẽ tìm một giáo viên trực tuyến và lên kế hoạch cho một chuyến đi tới Việt Nam. Cũng trong tuần đó, tôi đặt vé một chuyến bay và đặt thuê một căn hộ cho tháng Ba. Và thông qua italki.com, tôi liên lạc với Huyền, người mô tả bản thân là “người đa ngữ bất đắc dĩ”. Cô quen bạn trai khi cô đang tìm một giáo viên tiếng Tây Ban Nha, và vì anh ta là một người nói tiếng Catalan bản ngữ, cô tiếp tục học tập để bản thân cũng sử dụng thành thục tiếng Catalan. Khi nói chuyện với cha mẹ của bạn trai, cô thích đưa vào cuộc nói chuyện những yếu tố thuộc phương ngữ riêng của họ, tiếng Menorquí. Cô có vẻ rất phù hợp với nhu cầu của tôi.
Kế hoạch ấy của tôi đã có tác dụng. Các giờ học một cô một trò của chúng tôi rất vui, và vì tôi không muốn biến mình thành trò cười, tôi chăm chỉ ôn luyện ngữ pháp và làm mới kho từ vựng của mình. Tin tốt là Huyền hiểu những gì tôi nói. Tôi không thể tự nói quá nhiều, nhưng cũng phải nói rằng, khi tôi đọc to các câu, chúng dễ hiểu. Tin xấu là khi cô nói, mọi thứ nghe gần như tiếng ồn trắng (white noise) đối với tôi. Một phần nhỏ lý do nằm ở chất giọng có chút xíu tính địa phương của cô ấy, nhưng vấn đề thực sự lại nằm ở tôi – đồng thời ở cả tiếng Việt, tôi nghĩ nói vậy cũng không quá. Nằm ở tôi, vì việc thấu hiểu lời nói là kỹ năng kém nhất của tôi, ở bất cứ ngôn ngữ nào. Và cũng nằm ở tiếng Việt, bởi các trở ngại đối với việc đọc – số lượng quá lớn những đại từ, và việc không tồn tại đuôi ngữ pháp lẫn mạo từ – càng gây nhiều khó khăn khi tôi phải nghe. Thêm vào đó, một số nhóm nguyên âm (ơ và â, e và ê, a, o và ă) đối với tôi nghe khá giống nhau, và nhiều phụ âm nằm cuối từ khó nghe tới mức gần như không thể nghe được: cách tốt nhất để phân biệt các cặp từ như BÁT và BÁC là đọc cử động của môi, trong khi cách này không hiệu quả đối với cặp từ BẠT và BẠC.
Khi không phải học, tôi đọc về tiếng Việt. Tôi khám phá ra lý do tại sao người phương Tây chỉ quen tai với một ít từ trong tiếng Việt. Bất chấp 8 thập kỷ là thuộc địa của Pháp và 4 thập kỷ là đồng minh với Liên Xô, tiếng Hán* vẫn là nguồn vay mượn chủ yếu của tiếng Việt cho đến giữa thế kỷ 20. Đây phần nào là vấn đề của tập quán kéo dài 2.000 năm, phần nào do sự tương đồng về ngữ âm, khiến cho việc vay mượn từ tiếng Hán tương đối dễ dàng. Tất nhiên, đối với tôi, các từ trong tiếng Hán cũng xa lạ không kém gì các từ tiếng Việt. Chỉ có một ngoại lệ và Huyền đã chỉ ra: từ HIỆN ĐẠI trong tiếng Việt và tên của thương hiệu Hàn Quốc Hyundai bắt nguồn từ cùng một từ trong tiếng Hán. Nghĩa thường gặp của hai từ này là “hiện đại”.
Nhưng gượm đã: chẳng phải tất cả các từ trong tiếng Việt đáng lẽ ra phải ngắn và chỉ bao gồm 1 âm tiết thôi sao? Hóa ra, chúng chỉ trông có vẻ như vậy thôi. Hàng nghìn từ trong số các từ này thực chất được cấu thành từ 2 âm tiết, đôi khi nhiều hơn. Chỉ đơn giản là mỗi âm tiết được viết riêng rẽ – một di sản của thời kỳ tiếng Việt được viết bằng các ký tự kiểu chữ Hán, mỗi ký tự ứng với một âm tiết. Cùng một nhóm các chữ cái ấy, khi được tách biệt với các nhóm chữ cái khác bằng khoảng trống ở trước và sau nó, vừa có thể là một từ, lại vừa có thể là một âm tiết, tùy thuộc vào ngữ cảnh. Hãy tưởng tượng như thể trong tiếng Anh từ context được viết là “con text”, hoặc protocol được viết là “pro to col”.
Trong tiếng Việt, các từ mượn có gốc tiếng Nga hiếm đến mức đáng ngạc nhiên: Tôi chỉ tìm thấy các khái niệm liên quốc gia như “kulak”, “soviet”, “ruble” và “tsar” (CU-LẮC, XÔ VIẾT, RÚP, SA HOÀNG – nghĩa đen là “hoàng đế nước Nga”). Từ tôi thích nhất là “Marxism-Leninism”: CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN. Mác-Lênin! Quốc kỳ Việt Nam có một ngôi sao vàng trên nền đỏ đặc trưng của các nhà nước theo chủ nghĩa Mác-Lênin.
Vì Việt Nam đã mở cửa hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu được thống trị bởi tiếng Anh, một số từ trong ngôn ngữ này đã du nhập vào tiếng Việt, ví dụ Internet, photocopy, data, blog và golf. Nhưng đó là sự du nhập từng chút một, chứ không phải ồ ạt. Khi đề cập đến các khái niệm như website, cyberspace và app (trang web, không gian mạng, và ứng dụng trên thiết bị di động) – những từ đã được các ngôn ngữ khác chấp nhận và sử dụng rộng rãi, người Việt vẫn thường xuyên dùng cách gọi của mình. Và ngay cả các từ mượn cũng được cấp cho cách đánh vần mới, phản ánh cách phát âm tiếng Việt: IN-TƠ-NÉT, ĐA-TA, BỜ LÓC (blog), GÔN (golf).
Nếu những thay đổi này về cách đánh vần khiến cho một số từ mượn có nguồn gốc tiếng Anh trở nên khó nhận biết, thực tế này còn phổ biến hơn với các từ mượn có nguồn gốc tiếng Pháp, những từ đã có nhiều thời gian hơn để hòa nhập vào tiếng Việt. Trong thời kỳ thuộc địa (cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20), hàng tá, thậm chí hàng trăm từ được tiếp nhận và bắt đầu sử dụng, chủ yếu là để gọi các nét mới về văn hóa và các phát kiến về kỹ thuật. Bạn có thể nhận diện các từ sau đây không? SÔ-CÔ-LA, SÂM BANH, MÙ TẠC, CÔNG-TẮC, GIĂM BÔNG, XI MĂNG, KEM, KI-ỐT, LƠ.*
Nếu tiếng Việt không thích việc vay mượn từ phương Tây và thích làm cho lượng nhỏ các từ mà nó thực sự mượn nghe có vẻ tự nhiên hơn, thì hệ quả của hiện tượng này là, đối với một người mới học tiếng Việt, việc xây dựng một kho từ vựng tạm ổn có hàm ý rằng người đó sẽ phải bắt đầu ở mức gần như bằng 0 và học tập vất vả chỉ để xây dựng được một nền tảng cơ bản. Chúng ta không phải lúc nào cũng nhận ra được rằng mình được dâng tới tận miệng một lượng từ vựng phong phú khi ta học tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, hoặc tiếng Đức, từ organisation (tổ chức) cho đến hygiene (vệ sinh) và từ algebra (đại số) cho đến yogurt (sữa chua). Tôi thừa nhận rằng cái đĩa dâng tận miệng đó không hẳn chứa đầy những món ăn được luôn khi chúng ta chạm phải các đường ranh giới phân biệt các ngôn ngữ ở châu Âu, nhưng nó cũng không đến nỗi trống trơn, nhờ vào nhiều thế kỷ tán phát và lan truyền chéo văn hóa: từ manager trong tiếng Anh và từ PAYSAGE trong tiếng Pháp, mang nghĩa “cảnh quan”, cũng xuất hiện trong cả tiếng Nga và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí trong những ngôn ngữ được sử dụng ở những miền xa xôi, như tiếng Swahili, tiếng Tamil và tiếng Mã Lai, các từ có gốc ngôn ngữ châu Âu cũng không hề hiếm. Và với tiếng Ả Rập, thứ tiếng dường như kỳ quặc đối với những người nói tiếng Anh, nhiều thế kỷ trao đổi đã tạo ra nhiều điểm chung hơn chúng ta vẫn thường nghĩ (xem chương 5). Trong khi đó, trong tiếng Việt, chúng ta phải chật vật xoay xở với lượng thông tin rất ít ỏi khi gặp các từ MÙ TẠC và SÂM BANH.
Đặc biệt, ngữ pháp tiếng Việt hóa ra khó xử lý hơn những gì nó cho thấy ban đầu. Một câu đơn giản trong tiếng Anh như Do you live in this beautiful house? (Bạn đang sống trong ngôi nhà xinh đẹp này à?) cũng là một câu đơn giản trong tiếng Việt, nhưng là một kiểu đơn giản rất khác, và nó đòi hỏi khá nhiều bước để dịch được câu này sang tiếng Việt. Bước 1: chọn một dạng phù hợp cho từ “bạn” để diễn đạt chính xác giới tính, tuổi tác và sự kính trọng. Bước 2: đặt từ mang nghĩa “bạn” này ở ngay đầu câu. Bước 3: để câu này trở thành một câu hỏi, xóa từ do và thêm một từ hỏi vào cuối câu. Bước 4: sắp xếp lại trật tự của các từ this, beautiful, và house thành house beautiful this. Và rồi, thần kỳ chưa: CHỊ SỐNG Ở NHÀ ĐẸP NÀY KHÔNG?
“Gần đúng,” Huyền nói. “Chỉ thiếu đúng một từ.” À, đúng rồi. Bước 5: từ “nhà” cần có một từ nho nhỏ nào đó đứng trước để chuyển khái niệm chung “các ngôi nhà nói chung” thành ngôi nhà cụ thể mà chúng ta đang nói đến ở đây. Trong tiếng Anh, định từ this sẽ làm tốt vai trò này, nhưng tiếng Việt thường nhất định là trước danh từ này phải có một thứ được gọi là “danh từ loại thể”, trong trường hợp này là từ CÁI. Và cứ thế tôi dần khám phá ra rằng một số nguyên tắc ngữ pháp thực sự phức tạp. Ví dụ trên về loại từ là một ví dụ điển hình, bởi việc lựa chọn chính xác các từ nho nhỏ phiền phức này chịu sự quy định của hàng tá các nguyên tắc, với những ngoại lệ thậm chí còn phiền phức hơn. Ơn trời, CÁI có thể được sử dụng cho hầu hết các vật thể cụ thể, nhưng cũng tồn tại vô vàn loại khác, mỗi loại trong đó đòi hỏi từ phân loại riêng: một danh từ loại thể dùng cho các phương tiện giao thông, một từ khác dùng cho sách, một từ khác nữa dùng cho các loài thực vật. Cũng có một từ dành cho nhóm các vật thể tròn, chẳng hạn như trứng và bóng, và OK, tôi có thể hiểu tại sao đây là một nhóm phù hợp cho phần lớn các loại trái cây – nhưng tại sao người ta lại gán danh từ loại thể này cho cả quả chuối? Và tại sao các con sông, con dao, con mắt và các loại đối tượng khác về mặt ngữ pháp lại vận hành cứ như thể chúng là các con vật? Và rồi có một vài danh từ tự nó đã đáp ứng được các yêu cầu ngữ pháp mà không cần thêm bất cứ danh từ loại thể nào. Tôi không thể luận ra nguyên tắc nào quy định nhóm này.
Một số điều bất ngờ về ngữ pháp gây buồn cười (ít nhất là đối với một số người). Ví dụ, tiếng Việt sử dụng các từ khác nhau để thể hiện nghĩa “thế nào” trong các câu hỏi mang nghĩa “con rắn ấy dài thế nào?” và “con rắn ấy đáng sợ như thế nào?” Người ta có thể đo được độ dài, vì thế câu đầu tiên sẽ được diễn đạt là CON RẮN ẤY DÀI CHỪNG NÀO? Trong khi đó, người ta không thể diễn đạt chính xác mức độ đáng sợ của con rắn, và vì thế cách diễn đạt chính xác đại khái thường là CON RẮN ẤY ĐÁNG SỢ NHƯ THẾ NÀO? Đó là một hiện tượng gọi nhớ tới sự khác biệt trong tiếng Anh giữa many (nhiều) và few (một vài, một ít) với much (rất nhiều, nhưng không đong đếm được) và little (một chút, cũng không đong đếm được). Người Việt nhận ra rằng con rắn dài một vài xentimet chỉ đáng sợ một chút, trong khi đó độ dài nhiều xentimet khiến con rắn đáng sợ rất nhiều.
Ngay cả sau một vài tháng nỗ lực, tôi vẫn không hiểu được Huyền nói gì khi cô ấy nói tiếng Việt. Tuy nhiên, may mắn thay, kỹ năng đọc của tôi được tiến bộ nhờ bài giảng của cô ấy. Giờ đây, nghĩa của một số từ ngay lập tức trở nên rõ ràng đối với tôi, mà tôi không cần phải tìm chúng một cách có ý thức trong bộ từ vựng của tôi. Nhờ đó, cấu trúc của các câu trở nên rõ ràng hơn. Điều này không có nghĩa là tôi hiểu được chúng. Khi mắt của tôi lướt qua một dòng văn bản tiếng Việt, điều được ghi nhận trong não tôi có thể được chuyển thành những dòng dưới đây (mỗi con số đại diện cho một từ, hoặc có thể một âm tiết, ai mà biết được?):