Cuốn sách đầu tay “Bird Box: Lồng Chim” của Josh Malerman thật sự là một tác phẩm xuất sắc, đầy kịch tính và hấp dẫn, khiến độc giả không thể rời mắt khỏi trang sách cho đến khi kết thúc.
Bối cảnh của câu chuyện là một thế giới đầy rẫy sự bí ẩn và nguy hiểm, khi một thảm họa kinh hoàng xảy ra. Một thứ gì đó không rõ nguồn gốc và không thể nhìn thấy đã lan rộng khắp nơi, khiến con người bị cuốn vào cơn điên loạn và tự tử. Trên mặt đất chỉ còn lại một vài người sống sót, trong đó có nhân vật chính Malorie và hai đứa con của cô. Họ sống trong một căn nhà hoang gần bờ sông, nơi Malorie lên kế hoạch chạy trốn đến một nơi an toàn hơn.
Hành trình của Malorie không chỉ là một cuộc phiêu lưu vượt qua các khó khăn vật lý và tâm lý, mà còn là cuộc chiến để tìm hiểu và đối mặt với sự thật đằng sau thảm họa. Trong khi bị bao bọc bởi bóng tối và âm thanh đáng sợ, Malorie phải đối mặt với những ký ức đau buồn và những mất mát trong quá khứ của mình. Sự hi vọng và niềm tin được truyền đạt từ người bạn Tom, đã giúp cô vượt qua những thử thách khó khăn.
Tác giả đã tạo ra một không gian đầy áp lực và kịch tính, khiến cho độc giả không thể dứt ra khỏi câu chuyện. Câu hỏi cuối cùng về sự tồn tại của niềm tin trong thế giới hỗn loạn và đầy rẫy nguy hiểm này làm nổi bật sự phức tạp và sâu sắc của câu chuyện.
“Bird Box: Lồng Chim” không chỉ là một câu chuyện giật gân và hấp dẫn, mà còn là một tác phẩm về sự sống còn và sức mạnh của niềm tin giữa bóng tối. Mời các bạnh đón đọc cuốn sách “Bird Box: Lồng Chim” của tác giả Josh Malerman
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
Lâu lắm rồi tôi mới đọc được một cuốn tiểu thuyết hậu tận thế hay và rùng rợn như thế này. “Bird Box” – tác phẩm đầu tay của tác giả Josh Malerman – hội tụ mọi yếu tố để trở thành một cuốn sách kinh dị bậc thầy và có khả năng ám ảnh bất cứ độc giả nào muốn đắm mình vào sự khủng khiếp của một thế giới đã không còn như ngày trước. Điểm đặc sắc và khác biệt của tác phẩm nằm ở chính cái cách tác giả xây dựng tình huống để dẫn đến tình trạng hậu tận thế trong câu chuyện, cái cốt lõi làm nên một “Bird Box” kinh dị và đầy sức ám ảnh.
Tình huống đó chính là sự xuất hiện của một loại sinh vật/thực thể bí hiểm, khiến con người hóa điên và tự giết chính mình theo những cách thức tàn bạo và khủng khiếp nhất một khi đã lỡ nhìn thấy sinh vật đó. Với tình huống này, Josh Malerman đã tước đi cái giác quan cơ bản và quan trọng nhất của con người – thị giác. Hãy tưởng tượng một thế giới mà trong đó, bạn có mắt nhưng không thể nhìn và không được phép nhìn, luôn phải đeo một mảnh vải bịt mắt để chống lại khả năng nhìn thấy thứ sinh vật kỳ dị vốn sẽ khiến bạn hóa điên và dẫn đến cái chết của chính bạn, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Việc mở mắt và ngắm nhìn thế giới xung quanh vốn là một điều giản đơn và bình thường trong đời sống hiện tại, bỗng chốc trở thành một thứ xa xỉ đến mức nguy hiểm đối với các nhân vật trong câu chuyện của chúng ta.
Trên cái nền là một tình huống nguy cấp đe dọa mạng sống của con người, bắt đầu từ nước Nga rồi lan sang các bang ở Mỹ, “Bird Box” theo bước chân của nhân vật chính là Malorie, một cô gái, ở thời điểm hiện tại, đang chèo thuyền cùng hai đứa trẻ 4 tuổi không có tên mà cô gọi là The Boy và The Girl trên một con sông để đến với nơi tập kết an toàn của những người còn sống sót sau thảm họa. Xen giữa hành trình chèo thuyền của Malorie cùng hai đứa trẻ là câu chuyện quá khứ kinh hoàng của Malorie khi “đại dịch” sinh vật huyền bí mới bắt đầu, và nguồn cơn dẫn cô đến với tình trạng như hiện nay.
Đó là 4 năm trước, khi người dân Mỹ vẫn còn đang bất ngờ bởi hàng loạt những cái chết khủng khiếp của những người đã trót nhìn thấy sinh vật kỳ dị. Malorie lúc đó là một cô gái trẻ thơ ngây, có bầu sau một cuộc tình một đêm mà cô không còn giữ liên lạc với cha của đứa bé. Chứng kiến cảnh cả cha mẹ và chị gái của mình tự giết bản thân theo những cách thức đáng sợ nhất, Malorie – với một hài nhi đang lớn dần trong bụng – không còn cách nào khác phải trốn đi và tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn giữa một thế giới đang dần vụn vỡ. Josh Malerman bắt đầu tạo tác nên cái khung cảnh đầy ám ảnh của những con người không được phép nhìn nếu muốn còn sống thông qua hành trình tìm nơi trú ẩn của Malorie, cho tới khoảnh khắc cô bước vào ngôi nhà tập hợp những người vẫn còn sống sót, trong đó có Olympia, một cô gái cũng đang có thai.
Tác giả đẩy chất kinh dị khủng khiếp của bối cảnh lên đến tận cùng bằng những miêu tả trực tiếp xác chết những người đã tự giết mình sau khi nhìn thấy sinh vật bí ẩn – những cái xác đầy máu me, biến dạng khuôn mặt, những người trước đó đã cầm kéo đâm liên tục vào mặt mình. Và còn đó xác những đứa bé chết đói bên cạnh xác của cha mẹ chúng – những người cũng đã hóa điên và tự kết liễu đời mình. Chất điện ảnh kinh dị thấm đẫm trong từng câu văn, gieo vào tâm trí người đọc những thước phim khủng khiếp và đầy tàn bạo về cái cách mà tận thế có thể diễn ra và tiêu diệt loài người. Nhưng khủng khiếp nhất chính là cách mà Josh Malerman tạo dựng bầu không khí hồi hộp, tràn đầy nghi ngờ khi không ai biết thứ sinh vật bí ẩn đó là cái gì và tại sao nhìn thấy chúng lại khiến con người ta phát điên.
Với thị giác buộc lòng không được dùng đến, con người giờ đây chỉ có thể dựa vào đôi tai để lắng nghe âm thanh xung quanh mình. Và bất kỳ âm thanh, tiếng động nào cũng có thể là dự báo của hiểm nguy, của một thứ gì đó bí ẩn và bất định, hệt như chính sinh vật kỳ bí đã và đang gieo rắc kinh hoàng trên toàn nước Mỹ. Sự hồi hộp hiện rõ trong từng hoạt động, từng phân cảnh của câu chuyện, khi mà những con người còn sống buộc phải ra khỏi ngôi nhà có những tấm chăn bịt đầy các cửa sổ (nhằm ngăn sinh vật kỳ bí lọt vào và giúp người trong nhà không thể nhìn thấy sinh vật đó) để làm những việc phục vụ nhu cầu cơ bản của họ: lấy nước, tìm kiếm thức ăn,…
Tôi nhớ hoài cái cảnh những người đàn ông trong nhà phải bịt mắt và trèo xuống giếng múc nước, để rồi nghe thấy tiếng động lạ, đầy ám ảnh và khơi dậy một nỗi sợ bất ngờ. Nỗi sợ đến từ việc các nhân vật ở rất gần một thứ gì đó họ không biết, lại càng không dám tháo bỏ miếng vải bịt mắt để nhìn và phản ứng lại. Nỗi sợ bắt nguồn từ việc họ không biết họ đang phải đối mặt với thứ gì, mức độ nguy hiểm của nó, hệt như cái cách Malorie – 4 năm sau và đang chèo thuyền trên sông – nghe thấy những tiếng động lạ xung quanh mình nhưng nhất quyết không tháo bịt mắt để xem tiếng động đó phát ra từ đâu, và buộc lòng phải dựa vào thính lực của hai đứa trẻ mà cô đã huấn luyện kỹ năng nghe suốt bao năm ròng để dẫn đường cho cô đến với nơi an toàn.
Bầu không khí hồi hộp và nghi kỵ còn được bơm đầy vào cái ngôi nhà nhỏ nơi bảo vệ những con người xa lạ, kết nối với nhau thông qua một thảm họa tận thế bất ngờ. Tình huống nguy hiểm buộc họ phải hợp tác với nhau, cùng nhau tìm cách cải thiện đời sống chung, với hai người phụ nữ đang mang thai đòi hỏi sự an toàn và thức ăn đầy đủ. Và bên cạnh hợp tác là sự mâu thuẫn, là những nghi ngờ về một kẻ đang cố gắng phá đám và chia rẽ mọi người, đang cố gắng dâng tất cả bọn họ cho cái loài sinh vật bí hiểm. Càng về sau, bầu không khí nghi ngờ ấy càng dâng cao, và đỉnh điểm là khi Malorie cùng Olympia phải sinh con ở tầng áp mái, với kẻ phản bội đứng kế bên, tuôn ra những lời nói của kẻ đã hóa điên tràn đầy hận thù.
Cảnh tượng sinh nở, vốn phải là một dịp của niềm vui và hạnh phúc và nên diễn ra trong khung cảnh an toàn, đầy đủ thiết bị y tế, giờ đây lại trở thành một trận chiến không tưởng cho cả Malorie và Olympia, khi hai sản phụ vừa chịu đựng những cơn đau thắt nơi vùng bụng đến mức muốn ngất đi, vừa phải tỉnh táo để đối mặt với hiện thực rằng họ đang vượt cạn một mình, trong khi những người còn lại ở dưới nhà để chiến đấu với thứ gì đó mà họ không biết. Cái cách Josh Malerman lặp lại những câu văn ngắn, mang tính nhấn mạnh vào nỗi hãi sợ của Malorie là thứ đã đẩy bầu không khí kinh dị và căng thẳng lên đến cực điểm. Malorie cảm nhận thấy thứ sinh vật ấy đang bò lên cầu thang, đang ở ngay đằng sau lưng cô, và cô không dám nhìn, không dám mở mắt, không dám nhìn xuống xem con mình đã ra đời như thế nào, và cô chỉ biết đó là con trai bằng cách sờ vào con. Và con của cô cùng con của Olympia là những đứa trẻ khi mới vừa sinh ra đã phải đeo miếng băng bịt mắt, đã bị tước đi quyền được nhìn thấy mẹ của chúng vào khoảnh khắc chúng chào đời vì cái hiện thực tàn bạo và kinh khiếp đang bủa vây lấy toàn bộ thế giới.
Tình mẫu tử và thiên chức làm mẹ là chủ đề không quá mới trong văn học, nhưng khi được đặt vào bối cảnh hậu tận thế kinh hoàng và đầy ám ảnh như trong “Bird Box”, nó bỗng chốc trở thành một điều gì đó vừa thiêng liêng vừa đáng sợ. Malorie đã từng không muốn sinh con ra, không muốn con mình phải đối mặt với một thế giới đầy hiểm nguy, chông gai và không có chỗ cho một thứ bình thường như là mở mắt ra và nhìn ngắm mọi thứ. Thế nhưng, cuối cùng cô cũng phải cay đắng chấp nhận một sự thật, rằng con trai cô, và con gái của Olympia, vốn đã thuộc về thế giới vụn vỡ này từ khi chúng đã được tượng hình trong bụng mẹ, từ khi chúng nhìn thấy, thông qua đôi mắt của Malorie, một nhóm những con người học cách chung sống và hỗ trợ lẫn nhau trong ngôi nhà nhỏ như chiếc hộp chim (bird box), được đậy kín bằng chăn màn. Và họ là những con chim bị bó buộc trong chiếc hộp đó, để cuối cùng chỉ có 3 trong số những con chim đó có thể vẫy vùng và thoát ra khỏi hộp, tung cánh bay đến với một chân trời khác an toàn hơn, tươi sáng hơn.
Một quyển sách ngắn nhưng cực kỳ ấn tượng, “Bird Box” đã làm đủ để khiến độc giả phải rùng mình vì sợ và thở gấp vì hồi hộp trong khi vẫn giữ lại được tinh thần nhân văn của một cuốn tiểu thuyết hậu tận thế chân chính. Đoạn kết mở vừa đủ để người đọc có những suy tư cho riêng mình, nhưng vẫn vẹn tròn trong khuôn khổ câu chuyện để gieo một lượng lớn hy vọng vào ngày mai. Nghe đâu cuốn này đã được mua bản quyền dựng thành phim, chưa biết là khi nào phim sẽ bắt đầu được làm và khi nào thì ra mắt. Cơ mà với một cốt truyện quá ấn tượng như thế, nếu biết làm đúng cách thì chắc chắn phim cũng sẽ hay, lôi cuốn và ám ảnh như truyện vậy ^^ Đang mong chờ được xem thử đối với tình huống “không được mở mắt nhìn và phải luôn đeo bịt mắt” thì các diễn viên sẽ diễn như thế nào 😀 Có vẻ hơi bị khó à nha… ******* Bird Box – Lồng Chim là cuốn sách về “thảm hoạ tận thế” HAY NHẤT tôi từng được đọc. Một câu chuyện rùng rợn được viết nên một cách đầy khéo léo và cuốn hút.
Tôi thích cách tác giả kể từng câu chuyện của từng giai đoạn thời gian rồi lồng ghép chúng vào nhau.
Xuyên dọc cuốn sách, tác giả dẫn người đọc đi theo cuộc trốn chạy của Malorie trên chiếc thuyền cũ kỹ dọc con sông sau nhà. Đầu tiên, ta không hiểu được rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra, mọi thứ đều rối rắm và mù mờ, như thể vừa đi đường vừa bịt mắt, người ta không biết phía trước có gì, người ta nắm bắt được vài điều đang xảy ra nhưng chưa thể xâu chuỗi chúng lại, càng đi người ta càng thắc mắc, hoài nghi nhưng cũng tò mò và mong muốn được đi tiếp. Và lần theo từng chương, con thuyền đi dần theo dòng nước, câu chuyện từng bước được mở ra, một câu chuyện đẫm máu.
Tại sao tôi lại so sánh việc đọc cuốn sách này với việc vừa đi đường vừa bịt mắt? Bởi “bịt mắt” chính là phương cách duy nhất để sống sót trong câu chuyện này, một thứ gì đó tồn tại bên ngoài dẫn con người tới cái chết, và chỉ có nhắm chặt mắt lại, bịt mắt lại, không nhìn, thì sẽ sống! Ở đây, tác giả lại thể hiện sự khéo léo của mình khi xuyên dọc cuốn sách không hề để lộ hình hài của thứ gây nên nạn chết chóc ấy. Không một chút nào! Hệt như thể người đọc cũng đang bịt mắt theo nhân vật chính, không thể nhìn!
Điều khiến tôi thích cuốn sách này hơn nữa là ở chỗ nó không chỉ nói về đại dịch, về chết chóc, hay về một thế giới hậu tận thế,… nó còn nói về con người, về cách chúng ta sống với nhau, cách tư duy chúng ta hoạt động, cách tâm trí chúng ta đối đầu với mọi thứ diễn ra quanh ta, những nỗi sợ, nỗi tuyệt vọng… Đây thực sự là một cuốn sách tuyệt vời. ******** Câu chuyện trong cuốn sách Bird Box – Lồng Chim xen kẽ giữa hiện tại của Malorie đang tìm đường đưa 2 đứa trẻ trốn đi và quá khứ những kỷ niệm đã trải qua khi đột nhiên thế giới bị tấn công lạ lùng. Như một cơn đại dịch ập đến, cả thế giới bị một “sinh vật” bí hiểm nào đó tấn công, bất kỳ ai nhìn thấy “nó” cũng sẽ phát điên tự tử ngay lập tức. Những ai còn sống phải che kín các cửa sổ và cửa kính, bịt mắt khi ra đường nhưng vẫn thêm nhiều trường hợp mất mạng. Malorie vừa phát hiện có thai đã vướng vào cơn dịch này, phải bỏ nhà đi trốn sau khi người chị chết do nhìn thấy “nó”. Cô gặp được những người khác đang trú ẩn và giữa họ hình thành tình bạn. Sau khi sinh con, 4 năm sau, Malorie quyết định đưa những đứa trẻ đi tìm nơi trú ẩn khác.
Diễn biến không nhanh nhưng cách kể khá lôi cuốn, tạo ra sự bí ẩn và nhiều giả thuyết. Tác phẩm góp thêm 1 ý tưởng nữa cho nguồn cảm hứng về chủ đề đại dịch, thiên tai ập đến huỷ diệt loài người. Mình khá mong đọc tiếp phần 2 nếu có dịp.