Trong trò chơi quyền lực, xung quanh bạn là những người hoàn toàn không có động cơ nào để giúp bạn, trừ khi họ phải được lợi lộc nào đó. Và nếu bạn không có món gì để thỏa mãn tính tư lợi ấy, có thể họ sẽ đố kỵ, bởi vì họ xem bạn là người cạnh tranh, thêm một người làm họ phí thì giờ. Muốn vượt qua thái độ lạnh lùng ấy bạn phải có chìa khóa mở cánh cửa tâm và trí họ, dụ họ vào sân chơi của bạn, nếu cần có thể mời họ nhậu một lần. Nhưng hầu hết mọi người lại không nhận biết ra khía cạnh vừa kể. Mỗi khi gặp đối tượng mới, thay vì lui một bước để có đủ khoảng cách tìm hiểu đối tượng ấy, họ lại chỉ nói về mình, muốn áp đặt ý chí và tiên kiến của mình. Họ lý luận, khoa trương, trình diễn quyền lực. Có lẽ họ không ngờ rằng mình đang tạo ra một kẻ thù, một kẻ đối kháng, bởi vì không có gì tức bằng cái cảm giác cá nhân của mình bị phớt lờ, tính cách mình xem như vô nghĩa.
Tóm lại, cốt yếu của việc thuyết phục là làm mềm lòng đối phương, rồi nhẹ nhàng làm họ sụp đổ. Ta tiến công họ bằng cách thao túng hai lĩnh vực cảm xúc và trí năng của họ. Hãy để ý xem họ khác với những người xung quanh ở điểm nào (tâm lý cá nhân) và họ chia sẻ điều gì với người khác (phản ứng cảm xúc cơ bản). Ta nhắm vào loại xúc cảm cơ bản như yêu, ghét, ganh tỵ. Thao túng được những tình cảm này, ta sẽ giảm thiểu sự tự chủ của họ, khiến họ dễ bị thuyết phục hơn.
Khi muốn thuyết phục một vị tướng tài phe đối phương đừng liên minh với Tào Tháo, Gia Cát Lượng không nói về tính tàn ác của Tháo hay chê bai tài cầm binh, mà chỉ nhẹ nhàng báo tướng ấy biết vợ ông ta bị Tháo dụ dỗ. Mao Trạch Đông cũng hành động tương tự khi muốn giật dây cảm xúc của quần chúng, nói lên điều mà họ quan tâm sâu sắc, khuyến khích họ thổ lộ hết cõi lòng trước tập thể. Khi muốn triển khai kế hoạch mới, thay vì mô tả những điều đao to búa lớn, Mao chỉ nói với dân chúng những gì sơ đẳng nhất, ảnh hưởng lên họ sát sườn nhất. Bạn đừng tưởng chiến thuật này chỉ thích hợp với người vô học hoặc dốt chữ – nó hiệu quả với mọi tầng lớp. Tất cả chúng ta ai cũng là người trần và phải đối diện với số đông đáng sợ, và ai cũng muốn có quyến thuộc, có nơi nương náu về tình cảm. Bạn cứ giật những sợi dây cảm xúc ấy là chiếm được con tim.
Cách hay nhất là làm như Gia Cát Lượng khi ông ban cho tù binh thực phẩm và tự do, trong khi họ những tưởng cuộc đời bế mạc. Bạn hãy chơi trò tương phản ấy: làm họ sợ điếng, xong lại sướng rên. Khi họ tưởng bị hành hình mà bạn lại cho hoan lạc thì chắc chắn bạn sẽ thành công.
Nhiều khi một cử chỉ tượng trưng cũng đủ khơi gợi cảm tình và thiện chí. Ví dụ một cử chỉ khổ nhục – ta cũng đau nỗi đau của ngươi – sẽ làm mọi người đồng cảm với bạn, cho dù nỗi đau của bạn chỉ để làm cảnh hoặc không thấm tháp gì so với họ. Khi mới đến với một nhóm, bạn hãy làm cử chỉ thiện chí để lấy lòng, để sau này gặp việc khó khăn thì họ mới nhiệt tình giúp bạn.
Reflow text when sidebars are open.