Sau khi bình định Trung Quốc, Hốt Tất Liệt đặt nền thống trị và đổi quốc hiệu là Đại Nguyên, đồng thời cũng ôm mộng bá chủ… Hắn truyền lệnh cho Sứ thần Sài Thung dẫn bọn phản bội Trần Di Ái - bù nhìn quốc vương về Đại Việt. Trên đất Thăng Long, Sài Thung tỏ ra nghênh ngang, “hạch sách, đánh đập, quát, thét các quan tiếp sứ. Y đánh đập những người hầu hạ phục dịch rất tàn nhẫn. Phố xá buôn bán, người qua kẻ lại tấp nập, y cứ phóng ngựa ào ào. Đã có mấy bà già nhà quê ra chợ mua sắm, bị ngựa của Sài Thung giẫm cho què cẳng”. Sự việc diễn ra khiến cho vua tôi nhà Trần và dân chúng hết sức căm giận và phẫn nộ. Song, vì đại cuộc mà tất cả đều nén lòng bỏ qua.
Với ý đồ xâm chiếm Đại Việt để mở đường sang tiến đánh Chiêm Thành, quân Nguyên đã đem quân tấn công nước ta. Đất Thăng Long phải một phen điêu đứng. Tuy nhiên, vua tôi trên dưới một lòng, nguyện thề “Sát Thát” đã chiến đấu mưu lược anh dũng, mang lại hòa bình cho dân tộc. Và trong cơn nguy biến ấy mới thấy rõ tấm lòng kiên trung, sẵn sàng xả thân cứu nước của các bậc tướng lĩnh và dân quân nhà Trần, như: Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, chàng thanh niên người dân tộc Man…, và cả những nghĩa cử cao đẹp của công chúa An Tư.