Trong cuốn “Trí tuệ của hoa” (1910), Maurice Maeterlinck bảo vệ quan điểm cho rằng cây cỏ cũng có trí tuệ như con người: “Trong thế giới thực vật, mà mới thoạt nhìn chúng ta có cảm tưởng như yên bình và hiền lành biết bao, tràn ngập một tinh thần tuân phục và tĩnh mịch, thực ra có sự quật khởi chống lại số phận bộc lộ rõ với độ căng thẳng ráo riết và sự kiên trì tột độ”. Ông minh chứng điều này bằng kiến thức, sự am hiểu uyên bác không khác gì một nhà thực vật học đích thực và với ngòi bút sâu sắc về triết lý, dùng đời sống của cây cỏ để nói lên những triết lý về con người.
“Vera” là cuốn tiểu thuyết đương đại của nhà văn Jean Pierre Orban, vốn là cháu ngoại của những người nhập cư Italia, cho nên đề tài của cuốn sách này là về cuộc sống của những người nhập cư. Vera là con duy nhất trong một gia đình nhập cư gốc Italia nghèo khổ. Cha cô bị lưu đày và chết mất xác do phong trào bài Italia trong những năm chiến tranh. Vera sống lạc lõng trong sự hỗn độn về ngôn ngữ, phong tục tập quán và lai tạp quốc tịch. Bi kịch là đứa con của Vera lớn lên trong mớ hỗn độn đó cũng không thể tự xác định danh tính của mình ở thành phố London thời đó, trở thành một người không thể hòa nhập với xã hội, và chìm đắm trong sự câm lặng, điên rồ.