Ma Văn Kháng lao động văn chương như một người H'Mông trồng bắp trên núi, lặng lẽ, cần cù, kiên nghị. Không ồn ào to tiếng với ai. Nét mặt anh cũng có cái vẻ chất phác núi rừng, ít nói, ít tranh luận, nghe ai nói nhiều chỉ gật đầu, hơi như ngơ ngác nữa.
Độc giả văn chương quen biết anh bằng tập Xa phủ (1969), tập truyện đầu tay, xinh xinh và đáng yêu như những chú thỏ non trong rừng rậm. Và sau đó thì đều đặn, năm in một tập, năm in hai tập, ở các Nhà xuất bản Văn học, Thanh niên, Phụ nữ, Công an nhân dân, Lao động và Kim đồng. Tính đến Đồng bạc trắng hoa xòe là ấn phẩm thứ mười một của anh trong vòng thập niên trở lại đây, thuần về miền núi.
Văn học miêu tả dân tộc miền núi, nói nghiêm túc, mới chỉ có sau Cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến Việt Bắc. Những tiểu thuyết đường rừng của Lan Khai trước kia (Tiếng gọi của rừng thẳm, Truyện đường rừng, Suối đàn), ít nhiều của Thế Lữ (Vàng và Máu, Một đêm trăng), chỉ là những truyện mượn rừng núi nhằm gây một cảm giác ly kỳ rùng rợn. Người đặt nét bút đầu tiên khai phá vùng núi cao trong văn học Việt Nam phải kể là Nam Cao với Ở rừng (1948). Đấy mới chỉ là những phác thảo trong những trang nhật ký duyên dáng của anh, nhưng bóng dáng người miền núi hiện ra đã thật là có tình và đáng yêu. Rồi Nam Cao mất, chưa kịp làm gì thêm cho miền núi nữa
Reflow text when sidebars are open.