Cuốn sách “Ăn ít để khỏe” là tác phẩm đầu tiên của tác giả về phương pháp ăn “Mỗi ngày một bữa”. Trong cuốn sách này, tác giả trình bày các căn cứ khoa học chứng minh rằng phương pháp này không chỉ là tự nhiên mà còn là cách bảo vệ sức khỏe hiệu quả. Ông cung cấp những thông tin cụ thể và chi tiết về cách thức thực hiện phương pháp ăn một bữa mỗi ngày trong cuộc sống hàng ngày.

Cuốn sách được chia làm 5 chương lớn với các nội dung:

Chương 1: Vì sao không ăn lại tốt cho sức khỏe? – Trong chương này, tác giả giải thích lý do tại sao việc ăn ít hơn lại có thể tốt cho sức khỏe của chúng ta, và các lợi ích mà phương pháp “Mỗi ngày một bữa” mang lại.

Chương 2: Chúng ta đều có thể thực hiện phương pháp “Mỗi ngày một bữa” – Tác giả chia sẻ về việc áp dụng phương pháp này vào cuộc sống hàng ngày của mọi người và nhấn mạnh rằng mọi người đều có thể thực hiện được.

Chương 3: Cơ thể được cải thiện không ngờ nhờ phương pháp “Mỗi ngày một bữa” – Trong chương này, tác giả trình bày về những cải thiện sức khỏe mà người ta có thể đạt được khi thực hiện phương pháp ăn một bữa mỗi ngày.

Chương 4: Cùng biến phương pháp ăn “Mỗi ngày một bữa” thành thói quen – Tác giả đề xuất những bước cụ thể để biến phương pháp ăn một bữa mỗi ngày thành một thói quen thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày.

Chương 5: Sống theo “tiếng gọi con tim” Chương này nhấn mạnh về việc lắng nghe cơ thể và đáp ứng vào “tiếng gọi con tim”, để tạo ra một lối sống lành mạnh và cân bằng.

Cuốn sách này không chỉ là một tài liệu khoa học mà còn là một hướng dẫn thực tiễn để cải thiện sức khỏe thông qua việc thay đổi thói quen ăn uống. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Ăn Ít Để Khỏe của tác giả Yoshinori Nagumo —- Lời nói đầu

Trong những năm gần đây người ta chứng minh được trạng thái đói bụng là một hoạt động quan trọng đối với cơ thể con người.

“Bạn có nghĩ việc đói bụng tốt cho cơ thể của mình?”

“Suy nghĩ này đúng là không bình thường!”

“Nếu cứ giữ nguyên tình trạng đói bụng như vậy là không tốt cho cơ thể?”

Chắc hẳn đa số chúng ta đều đang suy nghĩ như vậy.

Tuy nhiên, từ lập trường của một bác sĩ cũng như từ chính những kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể trả lời một cách rõ ràng những nghi vấn đó. “Việc cho rằng hấp thụ từ từ chất dinh dưỡng có thể giúp chúng ta trở nên khỏe mạnh là một suy nghĩ đã lỗi thời”. Ngược lại với điều đó tôi khẳng định, “mỗi lần bụng reo lên vì đói, những điều có lợi cho sức khỏe sẽ được kích hoạt ở mức độ tế bào, tạo nên hiệu quả trẻ hóa!”

Tôi đã và đang duy trì chế độ ăn “Mỗi ngày một bữa” suốt 10 năm qua, kể từ khi tôi 45 tuổi. Điều này có nguyên cớ riêng của nó. Thực tế, khi bước sang tuổi 30, tôi đã nếm trải nỗi ám ảnh kinh hoàng về cái chết.

Hồi đó, vì bố tôi có mở một phòng khám tư tại nhà nên tôi có thể trải qua những chuỗi ngày êm ả, nghiên cứu và điều trị bệnh ung thu vú tại trường đại học. Nhưng năm tôi 35 tuổi, bố tôi, khi đó 62 tuổi, đột ngột ngã quỵ vì bị nhồi máu cơ tim. Mặc dù ông đã may mắn sống sót, nhưng kể từ đó ông không thể tiếp tục công việc của một bác sĩ được nữa, nên ông nghỉ hưu. Đây cũng là lý do khiến tôi phải dừng việc nghiên cứu tại trường đại học, trở về nhà và tiếp quản phòng khám của bố.

Khác với cuộc sống nghiên cứu vui vẻ ở trường đại học, tôi phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, lắng nghe những than phiền từ họ. Mỗi ngày của tôi bỗng chốc tràn ngập muôn vàn mỏi mệt. Cũng vì mệt mỏi mà tôi trở nên ham mê ăn uống, khiến cân nặng tăng nhanh chóng. Tôi lên đến 77kg, béo hơn 15kg so với hiện tại. Đó là hậu quả của việc hấp thụ quá nhiều chất dinh dưỡng. Hơn nữa, trước đây tôi có tiền sử bị táo bón khá trầm trọng, nên chuyện khốn khổ hơn đã bắt đầu xảy ra. Đó là mỗi khi ngồi rặn trong nhà vệ sinh, tôi lại bị rối loạn nhịp tim.

Các bạn sẽ nghĩ “Bệnh táo bón với chứng rối loạn nhịp tim có liên quan gì đến nhau?”, nhưng trên thực tế, chúng thật sự có mối quan hệ mật thiết với nhau. Mỗi lần cơ thể phải “rặn” vì táo bón, máu sẽ bị dồn lên, khiến cơ quan cảm biến huyết áp của động mạch cảnh hoạt động ngay lập tức, gây ức chế hoạt động của tim đế giảm huyết áp. Triệu chứng này được gọi là “phản xạ xoang động mạch cảnh” hay “phản xạ xoang cảnh”. Và hậu quả là chứng rối loạn nhịp tim sẽ xảy ra thường xuyên. Nếu nghiêm trọng, có khi bị cả ngày không dứt.

Rối loạn nhịp tim sẽ gây ra trạng thái khó thở, cũng có trường hợp bị mất ý thức tạm thời ngay trong nhà vệ sinh do tụt huyết áp. Trầm trọng hơn, hiện tượng này có thể tạo ra những cục máu gọi là “huyết khối” nếu dòng chảy của máu trong tim chịu tác động xấu do chứng rối loạn nhịp tim. Những cục máu này khi chạy đến não sẽ gây “tắc mạch máu não”, đi đến phổi sẽ gây nghẽn mạch phổi, thậm chí có thế gây mất mạng trong nhà vệ sinh lúc nào không biết. Thời gian đó, việc bước vào nhà vệ sinh mỗi ngày đối với tôi là một nỗi kinh hoàng.

Cũng vì thế mà tôi lao vào thử nghiệm vô số phương pháp bảo vệ sức khỏe. Tôi chăm chỉ tập gym, cố gắng bơi lội và sử dụng máy tập thể thao. Tôi định giảm cân bằng cách tập thể dục. Nhưng trớ trêu thay, vì tập luyện nên tôi càng ăn nhiều hơn, khiến cân nặng ngày một tăng thêm. Tôi mệt mỏi với việc giảm cân, kế hoạch dinh dưỡng cũng ngay lập tức khiến tôi phát ớn, không thể tiếp tục nổi.

Trong khi liên tục thử nghiệm và tìm kiếm các phương pháp mới, tôi nhận thấy ngay sau khi ngừng ăn thịt và đổi sang chế độ ăn uống chủ yếu là rau xanh, căn bệnh táo bón cố hữu nghiêm trọng của tôi bỗng chốc được chữa trị. Tuy nhiên, cũng có lúc tôi cảm thấy thèm thịt kinh khủng. Nhưng nếu tôi ăn thịt thì ngay buổi sáng hôm sau, bệnh táo bón khi xưa liền quay trở lại. Tôi cảm thấy sợ hãi vô cùng vì cảm giác đau đớn như sắp chết đến nơi trong nhà vệ sinh, cho nên về sau tôi không thể ăn thịt được nữa.

Chuyện này đúng là kỳ quái. Nó giống như người hút thuốc lá nếu tạm cai được thuốc sẽ trở nên khó chịu với mùi thuốc lá. Trường hợp của tôi cũng tương tự như vậy, sau khi ngừng ăn thịt một thời gian, dù có ăn món beef steak hảo hạng tôi vẫn không cảm thấy có mùi vị gì, chẳng khác nào đang nhai giấy, đến mức tôi chỉ muốn nôn ra.

Ngoài ra, sau khi tôi dừng ăn thịt, mùi hôi của cơ thể cũng tự nhiên không còn nữa. Cơ thể của những người thích ăn thịt, hoặc những người bị gan nhiễm mỡ hay mắc các bệnh về huyết áp, thường có lượng chất béo nhiều trong bã nhờn, những chất này sẽ bị peroxy hóa trở thành các lipid peroxide gây ra mùi hôi cho cơ thể. Các chất đó được gọi là “nonenal” và chúng hầu như đã bị loại bỏ khi chúng ta dừng ăn thịt.

Thêm vào đó, nếu chúng ta giảm lượng thức ăn bằng phương pháp “Bữa ăn cơ bản1”, thì trọng lượng cơ thể cũng sẽ giảm xuống và tình trạng của cơ thế cũng sẽ ngày một tốt lên. Nhìn từ góc độ dinh dưỡng, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu việc cơ thể trở nên hoạt hóa nhờ được tiếp nhận “dinh dưỡng đầy đủ” gói gọn trong một bữa ăn tưởng chừng đơn giản.

Mặc dù vậy, việc tuân thủ “bữa ăn cơ bản” trong mỗi bữa rất khó khăn. Vì nhiều khi chúng ta không thấy thèm ăn vào buổi sáng và trưa, ngược lại, đến buổi tối, có lúc ta lại phải ăn rất nhiều món trong các buổi gặp mặt. Cho nên, thói quen nào dù tốt đến đâu mà thiếu thực tiễn cũng không thể tiếp tục lâu dài được.

Do đó, sau khi đã thử nghiệm muôn vàn cách khác nhau, phương án được tôi lựa chọn để cải thiện tình hình chính là ăn “Mỗi ngày một bữa”. Cho đến thời điểm hiện tại, sau 10 năm, tình trạng sức khỏe của tôi về cơ bản là tốt, cân nặng luôn duy trì ở 62kg. Và hơn hết, làn da của tôi trở nên trẻ trung đầy sức sống, tôi trẻ ra đến mức khi đi kiếm tra sức khỏe, “tuổi mạch máu2” của tôi được chẩn đoán là 26 tuổi.

Tuy nhiên, trong đầu tôi vẫn mông lung với những nghi vấn: “Phương pháp ăn mỗi ‘ngày một bữa’ có thật sự tốt cho cơ thể hay không?”, “Mình giới thiệu cho mọi người liệu có ổn không?”

Những nghi vấn này của tôi đã hoàn toàn được giải đáp nhờ một nghiên cứu về “gen tuổi thọ” được thực hiện trong những năm gần đây. Trong tất cả những thí nghiệm trên động vật, các nhà khoa học chứng minh được rằng việc giảm 40% lượng thức ăn có thể kéo dài 1,5 lần tuổi thọ. Không chỉ dừng lại ở đó, nghiên cứu còn cho thấy, việc giảm bữa ăn còn tạo nên một diện mạo đầy sức sống, cải thiện nòi giống, vẻ bề ngoài cũng trở nên trẻ trung và tươi đẹp hơn.

Mức độ trẻ trung và tươi đẹp biểu thị cho sức khỏe nội tại. Nếu các cơ quan bên trong cơ thể hoạt động trơn tru, máu tuần hoàn tốt, thì da sẽ căng bóng, eo cũng thon gọn. Ngược lại, nếu bên trong cơ thế sức khỏe không tốt, thì dù có tô vẽ bằng đồ trang điểm cao cấp đến thế nào, hay được trị liệu làm đẹp đến đâu đi nữa cũng không thể tạo ra vẻ đẹp thật sự.

“Vẻ bề ngoài” là tiêu chí đánh giá sức khỏe dễ nhận ra nhất. Dù bạn có nghĩ bản thân mình thực sự khỏe mạnh thì có thể mới chỉ đơn giản là “Tôi chưa bị bệnh nặng bao giờ”, “các chỉ số vẫn bình thường” mà thôi. Tôi thấy rất ít người có thể tự tin nói rằng cơ thể và làn da của họ đẹp.

“Vẻ bề ngoài” bị lão hóa là bằng chứng của việc có mỡ trong nội tạng và cơ thể đang dần hình thành hội chứng chuyển hóa (metabolic syndrome)3. Có nghĩa là, nếu không phòng ngừa cẩn thận hội chứng chuyển hóa, chúng ta không thể có được một sức khỏe thật sự tốt, không thể có một diện mạo trẻ trung tươi mới.

Điều tôi đang muốn nhấn mạnh đến là việc có được một làn da đẹp, trẻ trung, tươi mới cùng vòng eo thon. Đó chính là đích đến của phương pháp ăn “Mỗi ngày một bữa”.

Từ sau khi gen tuổi thọ được phát hiện, tôi đã chính thức đưa ra phương pháp ăn “Mỗi ngày một bữa”, số lần tôi tham gia nói chuyện trên các chương trình truyền hình hay tại những buổi diễn thuyết ngày một tăng, những bài viết có liên quan đến chống lão hóa cũng ngày một nhiều. Sau đó, tôi trở thành Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Y học Chống lão hóa quốc tế.

Quyển sách này là tài liệu đầu tiên tôi viết về phương pháp ăn “Mỗi ngày một bữa”.

Trong quyển sách này, tôi muốn nói rõ hơn về căn cứ chứng minh việc ăn “Mỗi ngày một bữa” là phương pháp tự nhiên nhằm bảo vệ sức khỏe, và trình bày cụ thể hơn “cách xây dựng nếp sống mỗi ngày ăn một bữa”. Bên cạnh đó, các bạn sẽ thấy rõ những thay đổi trên cơ thể mình khi áp dụng phương pháp ăn “mỗi ngày một bữa”, đặc biệt là về ngoại hình.

Tôi nghĩ quyển sách này sẽ đưa ra những vấn đề trái ngược hoàn toàn với những “tri thức thông thường” có liên quan đến sức khỏe mà các vị đã tin tưởng cho đến thời điểm hiện tại, vậy nên mong các bạn sẽ hứng thú đọc quyển sách đến dòng cuối cùng. — Chương 1: Vì sao không ăn lại tốt cho sức khỏe?

CHÌA KHÓA CỦA NGUỒN SỐNG NHÂN LOẠI LÀ “GEN SINH MỆNH”

Ngày nay, ai cũng nghĩ việc ăn một ngày ba bữa là điều đương nhiên, hầu hết người dân hiện đang sống ở Nhật cũng nghĩ như vậy và không có chút nghi ngờ gì. Tuy nhiên, lần theo dấu vết của 170.000 năm lịch sử loài người kể từ khi tổ tiên chúng ta xuất hiện trên hành tinh này, việc con người ăn một ngày ba bữa và quan niệm ăn tới no bụng chỉ là những suy nghĩ mới có khoảng vài chục năm trở lại đây. Tuy là một khoảng thời gian đáng kể, nhưng cũng chưa đến 100 năm, nên đây vẫn có thể coi là quan niệm mới xuất hiện chưa lâu.

Tại Nhật Bản, sau khoảng thời gian khôi phục đất nước bị tàn phá do chiến tranh và bước vào thời kì tăng trưởng kinh tế vượt bậc, hay trước đó một chút, kể cả thời kì có hay không có chiến tranh, hầu như không một người dân nào cho rằng họ được ăn no. Chính vì quan niệm mỗi ngày cần ăn ba bữa đều đặn nên đương nhiên mọi người sẽ nghĩ mình không được ăn no, cho nên mới ra đời cách nghĩ “cung cấp đủ dưỡng chất là bí quyết của sức khỏe”. Ngay sau khi xuất hiện nền văn minh lúa nước, cách nghĩ như vậy đã sớm được hình thành, ở Trung Quốc, việc trồng lúa nước đã có vào khoảng năm 2.000 trước Công nguyên, tính tới nay cũng được 4.000 năm. Như vậy, 166.000 năm trước đó là thời kì của săn bắt và hái lượm, cho nên những ngày con người không săn bắt, hái lượm được gì chính là chuỗi ngày họ thiếu ăn. Hơn nữa, kể cả sau khi bước vào nền văn minh lúa nước, tình trạng mất mùa do thiên tai và thời tiết xấu liên tục tái diễn không biết bao lần trên toàn thế giới, vậy nên không hề quá lời nếu nói lịch sử loài người là một cuộc chiến bất tận với nạn đói.

Ngay cả thời điểm hiện nay, nạn đói vẫn đang tiếp diễn. Chỉ có một số ít các nước như Nhật Bản, Mĩ, hay châu Âu đã loại bỏ được vấn đề này, còn lại tới quá nửa các quốc gia trên thế giới vẫn đang bị nạn đói hoành hành. Nhìn vào Hunger Map (Bản đồ nạn đói) do WFP (World Food Program – Chương trình Lương thực Thế giới) công bố, có thể thấy tình trạng đói nghèo vẫn đang hoành hành ở châu Á, châu Phi, Trung Nam Mĩ,… (Xem bản đồ 1. Biểu hiện % dân số quốc gia trong tình trạng đói nghèo). Nạn đói được định nghĩa là “tình trạng duy trì trọng lượng cơ thể ở mức thấp nhất có thể so với chiều cao và không thể cung cấp đủ lượng calo cần thiết để thực hiện những vận động nhẹ nhàng.” Chính bởi những thiệt hại do thiên tai, những cuộc phân tranh kéo dài, cộng với tình trạng đói nghèo leo thang mà rất nhiều người hiện nay không thể có nổi bữa ăn đơn giản nhất.

Ngoài ra, khi nhìn vào Bản đồ nạn đói, có một điều làm chúng ta phải chú ý. Đó là chính những quốc gia đang ở tình trạng đói nghèo lại có tỉ lệ sinh cao (Xem bản đồ 2). Trong khi đó, tại những quốc gia phát triển đầy đủ với tình trạng ăn uống thỏa mãn, tỉ lệ sinh rất thấp, dân số cũng đang giảm dần. Xét theo nhân chủng học, đây chính là tình trạng “giống loài đang bị đe dọa”. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, có lẽ sau vài vạn năm nữa, trên Trái đất sẽ chỉ còn lại người dân ở những quốc gia nghèo đói. Vì sao lại xảy ra sự khác biệt về sức sống như vậy? Đó là vì trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, chưa kế đến nạn đói, loài người đã phải bao phen đối mặt với những mối đe dọa to lớn như khí hậu thất thường, dịch bệnh và những cuộc chiến tranh triền miên.

Có phải các bạn nghĩ loài người chúng ta có nhiều nguồn gốc khác nhau, người Trung Quốc có nguồn gốc từ “Người vượn Bắc Kinh”, “Người vượn Java” là tổ tiên của người châu Á, “Người Neanderthal” là tổ tiên của người châu Âu? Điều này không đúng. Tất cả những giống loài đó đều đã bị diệt vong. Tôi lấy làm tiếc với những người luôn tin rằng “Hoàn toàn không có chuyện loài người bị diệt vong”, nhưng sự thật là cho đến nay đã có rất nhiều chủng loại người bị tuyệt chủng, không còn bóng dáng trên Trái đất. Tố tiên của người da trắng, da đen, da vàng hiện nay đã xuất hiện cách đây 170.000 năm tại núi Kilimanjaro (ở nước Tanzania), một người phụ nữ được đặt tên là Mitochondrial Eve.

Ngày nay, trong khi các quốc gia nghèo đói đang oằn mình với vấn đề bùng nổ dân số, thì các quốc gia phát triển lại không thể kiểm soát được vấn đề giảm tỉ lệ sinh nhằm gia tăng dân số, dù họ luôn cố gắng áp dụng những thành tựu khoa học tiên tiến nhất như thụ tinh nhân tạo… Đây chính là một vấn đề của nhân loại, và Nhật Bản cũng là quốc gia có tỉ lệ phụ nữ mang thai thấp. Nhưng ở thời đại của tổ tiên chúng ta, vào những năm trước chiến tranh, việc một cặp vợ chồng có bốn, năm người con là điều bình thường. Có nghĩa là trong những con người hiện đại như chúng ta, con cháu của những người đã cố gắng vượt qua nguy cơ diệt vong của nhân loại, kéo dài sự sống đến ngày nay, luôn tiềm tàng một loại năng lực được gọi là “khả năng sinh tồn”, thường trở nên sục sôi mãnh liệt vào những lúc gặp đói khố, lạnh giá, dịch bệnh. Nguồn gốc của khả năng sinh tồn đó chính là “gen sinh mênh” mà chúng ta thu nạp được sau mỗi lần loài người vượt qua được những mối nguy hại.

Gen sinh mệnh không phải là một loại gen thông thường. Đó là loại gen không thể đếm được như: “gen đói” chiến thắng sự đói khát, “gen sống lâu” sinh ra khi cơ thể bị đói, “gen sinh sản” làm tăng tỉ lệ sinh khi ở tình trạng nghèo đói, “gen miễn dịch” chế ngự được bệnh truyền nhiễm, “gen chống ung thư” để chiến đấu với bệnh ung thư, “gen phục hồi” để điều trị bệnh tật và lão hóa… có sẵn trong cơ thể mỗi người chúng ta. Song, điều trớ trêu là nếu không bị rơi vào tình trạng đói khát, lạnh giá, gen sinh mệnh sẽ không làm việc. Hơn nữa, nếu không được ăn uống đầy đủ, cơ thể sẽ bị lão hóa, giảm khả năng sinh sản, khi đó hệ miễn dịch sẽ làm việc theo hướng tấn công lại chính cơ thể chúng ta.

Để mọi người có được một đời sống khỏe mạnh, trong những chương tiếp theo, tôi sẽ giải thích cặn kẽ hơn về gen sinh mệnh. — LÝ DO CHỈ UỐNG NƯỚC VẪN BÉO

Nhiều người sau khi thất bại trong việc giảm cân, thường hay đùa nhau rằng: “Người như tôi chỉ uống nước vẫn cứ béo.” Trên thực tế, việc uống nước có làm ta béo lên hay không là vấn đề cần phải xem xét thêm, còn theo tôi, câu nói kia vẫn mang một ý nghĩa nhất định, đó có thể là đặc tính riêng của con người. Khi con người sống sót qua thời kì đói nghèo kéo dài hơn nửa thời gian của lịch sử nhân loại, tổ tiên chúng ta đã thu nạp được loại gen giúp con người cố gắng hấp thụ phần lớn dưỡng chất dù chỉ từ chút ít thức ăn. Đó chính là “gen đói”, một trong những gen cấu thành nên bộ “gen sinh mệnh”.

Tuy tổ tiên chúng ta dần dần đã kiếm thêm được nhiều thức ăn hơn, nhưng vì không lường được lần tới sẽ no hay đói, cho nên nếu đã có thức ăn, dù rất ít ỏi, chúng ta cũng không bỏ phí chúng. Nhờ đó mà cơ thể biết hấp thụ các dưỡng chất, tích trữ trong cơ thể dưới dạng mỡ. Đây chính là lý do khiến cơ thể có thể bị béo lên dù chúng ta ăn rất ít. Nếu cơ thể không vận hành như vậy, có lẽ tổ tiên chúng ta không thể sinh tồn qua hàng vạn năm lịch sử trong cuộc chiến với nạn đói. Vì vậy, những cơ chế khiến cho cơ thể bị béo lên dù ta chỉ ăn một lượng rất ít chính là thành quả tiến hóa của loài người. “Gen đói” đã điều hành chính xác hoạt động chuyển hóa và tích trữ thức ăn dưới dạng mỡ rất hiệu quả, nên nó còn được gọi là “gen tiết kiệm”.

Trong những “dị nhân” về ăn uống mà ta thường thấy trên ti vi, có những tạng người gầy, ăn rất nhiều vẫn không béo nổi, những trường hợp hiếm có đó là do thiếu “gen đói”.

Trên thực tế, những người này nếu để bị đói sẽ không sống sót được lâu như người bình thường. Lẽ dĩ nhiên, cơ chế chuyển hóa thức ăn thành chất béo nội tạng là do tạo hóa. Cũng chính nhờ điều đó mà loài người đã tồn tại và sinh sôi được suốt 170.000 năm qua. — “GEN SIRTUIN” GIÚP KHÔI PHỤC TẾ BÀO Nếu nói “gen đói” giúp hấp thụ nguồn dưỡng chất nhiều nhất có thể từ chút ít thức ăn, thì nó cũng được xem là loại “gen tích trữ năng lượng”. Và cùng với “gen đói”, còn một loại gen quan trọng nữa cũng góp phần vào việc duy trì sự sống cho con người. Đó chính là “gen trường thọ”, một loại gen đang thu hút được sự chú ý của giới trẻ trong thời gian gần đây, có tên khoa học là “gen Sirtuin”. Vì nó đang là đề tài hay được nói đến trên ti vi, nên có thể rất nhiều người đã từng nghe đến tên của loại gen này, nhưng động cơ để tìm ra nó lại bắt nguồn là từ giả thuyết “Khi chúng ta đói bụng,- năng lực sinh tồn sẽ được kích hoạt, và cơ thể được trẻ hóa.”

Hiện nay, chúng ta có thể thấy trong “Pháp nhịn ăn” của đạo Phật hay “Tháng Ramadan” của đạo Hồi, thay vì ăn nhiều, ăn ít sẽ giúp kéo dài sự sống. Và đây chính là lý do khiến các nhà khoa học tiến hành quan sát thời gian sinh tồn thực tế của hầu hết các loài động vật khi thay đổi lượng đồ ăn. Họ thử nghiệm trên hầu hết các loài động vật như khỉ nâu Macaca, chuột bạch, hay chuột lang… và thấy, bằng cách giảm 40% lượng thức ăn, hiệu quả duy trì sự sống đạt mức cao nhất, kéo dài 1,4 – 1,6 lần so với thông thường. Không chỉ vậy, khi tiến hành thử nghiệm ở khỉ, kết quả cho thấy những con khỉ háu ăn sẽ bị rụng lông và da mặt chảy xệ. Còn với những con khỉ tuy đã nhiều năm tuổi, khi bị hạn chế bữa ăn, lông của chúng vẫn mọc rậm, mượt mà, da trở nên căng bóng. Từ kết quả thực nghiệm này có thể suy đoán rằng, khi sinh vật ở trong tình trạng đói, chắc hẳn có một loại gen nào đó được kích hoạt để duy trì sự sống. Và “gen Sirtuin” chính là kết quả của những hoạt động nghiên cứu dựa trên phán đoán đó.

Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu thêm và đưa ra kết quả chứng minh rằng khi cơ thể con người ở trình trạng đói, loại gen này sẽ kiểm tra tất cả các gen ở 50.000 tỉ tế bào trong cơ thể người và giúp phục hồi những gen bị hỏng, tổn thương. Điều này không chỉ liên quan đến việc kéo dài tuổi thọ mà còn cho thấy loại gen này cũng tham gia vào “hoạt động ngăn cản sự lão hóa và bệnh tật”. Nhờ phát hiện ra “gen Sirtuin” này, chúng ta đã có thể kéo dài được thời gian sống và đây chính là điều được nói đến ngay từ đầu: “Gen sinh mệnh” giúp loài người sống lâu.

Trong quá trình tìm hiểu về “gen Sirtuin”, “gen đói” đã đề cập ở trên, cùng các loại “gen sinh mệnh” khác tôi sẽ nói ở phần sau như “gen sinh sản”, “gen miễn dịch”, “gen phục hồi”… tôi đã có một niềm tin vững chắc rằng, chính việc kích hoạt “gen sinh mệnh” sẽ mang lại cho chúng ta sự trường thọ và khỏe mạnh. Hơn nữa, “gen sinh mệnh” chỉ thể hiện khi cơ thể bị đói. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến “Phương pháp ăn mỗi ngày một bữa lành mạnh” trở thành chủ đề chính của quyển sách này.

Người Nhật từ xưa đã có câu ngạn ngữ “Hara- hachi-bun-me” để cảnh báo về việc ăn đầy bụng, ngụ ý rằng bí quyết của sức khỏe là chỉ ăn tám phần no (ăn lưng lửng dạ), như một cách nhắn nhủ hậu thế luôn cố gắng giữ gìn lối sống sao cho các gen này được thể hiện đầy đủ. — ĂN QUÁ NHIÊU LÀ KHỞI NGUỒN CỦA BỆNH TẬT

Có những đất nước tạo ấn tượng mạnh bởi tình trạng béo phì ở người dân. Kể cả ở Nhật những năm sau chiến tranh, lịch sử từng ghi nhận việc Bộ Y tế và Phúc lợi đã thực hiện chế độ “Kenkoyuryojido”, tức là “chế độ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em”, tuyên dương những trẻ em béo. Tuy nhiên, những năm gần đây, chính sách đó đã được gỡ bỏ vì hệ lụy gia tăng số trẻ em béo phì, nhưng từ việc này ta có thể thấy trong quá khứ đã có thời kì báo hiệu tình trạng nhân loại bị béo phì.

Mặt khác, trong giai đoạn tăng trưởng thần kì ở Nhật Bản, những chương trình ẩm thực xuất hiện ngày một phổ biến hơn. Do thường xuyên được đưa lên các phương tiện truyền thông như ti vi hay tạp chí thời đó, nên khái niệm Houshoku – “ăn no” – được lan truyền khắp cả nước. Điều này đã đấy việc ăn uống vượt quá nhu cầu của một bản năng thông thường. Đối với động vật, để đảm bảo duy trì và phát triển các thế hệ sau, ăn uống và tình dục là hai nhu cầu tất yếu như nhau. Để trực quan và dễ hình dung hơn, chúng ta hãy cùng xem xét cụ thể qua bản năng tình dục, từ đó hiểu rõ hơn bản năng ăn uống ở động vật.

Trong thế giới động vật, khi có cơ hội để con cái và con đực gặp nhau, chúng dường như lao vào nhau ngay lập tức để thỏa mãn nhu cầu giao phối của loài. Nhưng trong xã hội con người, dù ngay trước mắt chúng ta có đối tượng mang yếu tố hấp dẫn giới, tức là đối tượng khiến chúng ta nảy sinh ham muốn tình dục, chúng ta cũng không thể “tấn còng” ngay không chút ngần ngại như vậy, vì điều này được coi là phạm pháp. Còn về vấn đề ăn uống trong thế giới động vật, không phải lúc nào nhu cầu này cũng tồn tại và cần giải quyết ngay, đến như sư tử khi đã no bụng cũng sẽ không vồ bắt thỏ dẫu thỏ có đứng yên trước mặt nó đi nữa. Con người thì sao? Con người khi vừa ăn sáng xong đã ngay lập tức nghĩ tới chuyện ăn trưa. Hóa ra chúng ta thua cả động vật về khoản này?

Con người chúng ta mỗi ngày ăn ba bữa thật no nhưng có bao giờ ta tự hỏi chính cơ thể mình rằng liệu như vậy có đảm bảo sức khỏe không? Câu trả lời của cơ thế chúng ta khi ấy rõ ràng sẽ là “không”. Nếu thiếu một chút dinh dưỡng, chúng ta có thể dễ bị bệnh, nhưng bệnh này lại có thể được chữa khỏi nhờ cơ chế sinh tồn được quy định trong gen hoạt động. Song trái lại, ăn uống quá dư thừa sẽ khiến cơ chế này mất tác dụng. Vì vậy, việc ăn no và ngộ nhận trong ăn uống kể trên sẽ khiến cho cơ hội lành bệnh trở nên khó khăn. Khoa học chứng minh rằng tứ đại kì bệnh gồm Ung thư – Đái tháo đường – Bệnh tim mạch – Đột quỵ là hệ quả của việc ăn uống dư thừa và thiếu điều độ.

Dù đang ở độ tuổi nào thì việc trước tiên chúng ta cần làm ngay để giữ gìn chất lượng cuộc sống luôn tươi trẻ và khỏe mạnh cũng là thay đối chế độ ăn bằng cách từ bỏ thói quen ăn no. Thông thường, khi nhắc đến việc thay đổi thói quen ăn uống, chúng ta thường có suy nghĩ rằng đó là ăn kiêng để giảm cân, thay đổi vóc dáng, nhưng chế độ ăn “Mỗi ngày một bữa” tôi đưa ra ở đây không những giúp chúng ta có vòng eo thon gọn, thân hình thanh thoát mà còn giữ cho da dẻ căng mịn và tràn đầy sức sống.

Vì sao tôi đề cập đến ngoại hình ở đây trong khi chúng ta đang bàn về vấn đề sức khỏe? Đơn giản vì ngoại hình là thước đo hiệu quả để đánh giá sức khỏe. Không mấy ai tin khi tôi nói tôi đã 56 tuổi vì mọi người gặp tôi thường nói tôi chỉ trạc 20 tuổi. Trong khoảng 10 năm gần đây, tôi vẫn duy trì được chiều cao 1m73 và cân nặng 62kg. Nhưng trước đây, khi mới ngoài 40 tuổi, có thời điểm cân nặng của tôi lên tới 77kg. Quả là một thay đổi lớn. Sự thay đổi này là kết quả đạt được từ chế độ tôi muốn chia sẻ với các bạn. Nhờ có chế độ đó, tôi không những gầy đi 15kg mà còn được hưởng nhiều điều lợi khác như cơ thể trở nên dẻo dai hơn, duy trì sự tươi trẻ, đầu óc minh mẫn để chia sẻ bí quyết cùng với các bạn qua quyển sách này. — CƠ THỂ CON NGƯỜI CHÚNG TA NGÀY NAY KHÔNG THÍCH NGHI VỚI VIỆC ĂN NO

Như đã nói ở trên, tổ tiên chúng ta trước đây đã phải trải qua thời kì đói rét, khí hậu khắc nghiệt. Chính trong quá trình tiến hóa hàng vạn năm chống chọi với môi trường sống đầy khó khăn đó mà cơ thể chúng ta được thừa hưởng gen sinh tồn, hay còn gọi là “gen sinh mệnh”, được trang bị những thành phần để thích nghi với cái đói và cái rét. vốn dĩ, khả năng thích nghi của loài người được phát huy ở mức cao nhất dưới tác động của môi trường, giúp cơ thế con người dần trở nên tối ưu hơn. Cho nên, đối với “gen sinh mệnh”, lý do khiến gen này được kích hoạt nhiều nhất là cơ thể phải chịu đói và rét.

Nói cách khác, những người có “gen tiết kiệm” sẽ có khả năng sống sót nhờ tiêu thụ ít năng lượng hơn khi đói, điều này rất có ích cho việc sinh tồn. Hầu hết những người sống ở thời kì đó đều hiểu rằng trong người họ mang loại gen này. Tuy nhiên, sự tối ưu của gen này có một nhược điểm, đó là nó không thể thích nghi tốt với sự thay đổi của môi trường trong một điều kiện nhất định nào đó. Để thích nghi với điều kiện mới, loài người cần phải trải qua quá trình tiến hóa hàng vạn năm. Có nghĩa là chúng ta đã có khả năng thích nghi cao hơn bình thường đối với việc bị đói, nhưng chưa có khả năng chịu đựng tình trạng dư thừa thức ăn, lúc này gen sinh mệnh hoạt động thậm chí còn gây hại cho cơ thể.

Cơ thể chúng ta có thể thích nghi mạnh mẽ với trạng thái đói nhưng chưa quen với trạng thái no.

Chúng ta hãy cùng nhớ lại một điều, lịch sử 170.000 năm của loài người là một cuộc chiến dài chống chọi với đói và rét, trong khi khoảng thời gian con người được ăn no thật ít ỏi, chưa tới 100 năm. Hiện nay, ngày càng có nhiều người ăn đến no bụng với những bữa ăn với hàm lượng calo lớn, khiến lượng năng lượng cần tiêu hao trong ngày tăng mạnh. Và cơ thế của những người đó sẽ bị thay đổi nếu họ không thể thích nghi với cuộc sống ăn quá nhiều như vậy.

Trên thực tế, khi ăn quá nhiều, chúng ta sẽ nhanh chóng béo lên. Nếu cứ tiếp tục ăn uống vô tội vạ và không ngừng béo lên, điều gì sẽ xảy đến với con người chúng ta? Đã có không ít người tự hào với cơ thể nặng hơn 100kg của mình. Các bạn cũng đều từng thấy trên ti vi những người nặng tới 200 – 300kg, không thể tự mình ngồi dậy trên giường. Nếu tất cả chúng ta đều thành ra như vậy, chẳng phải loài người rồi sẽ bị tuyệt chủng sao? Chính sự xuất hiện của thói quen ăn uống vô độ là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh tiểu đường, còn được gọi là “căn bệnh quốc dân”, và kéo theo đó là sự gia tăng các bệnh như ung thư, nhồi máu cơ tim.

Lẽ thường, sau chiến tranh, người dân cả nước đều có chung mục tiêu hướng đến xây dựng một quốc gia mà ở đó người dân được ăn no. Nhưng mục tiêu đó ngày nay lại thành ra nghịch lý khi mà việc ăn uống no nê lại là tác nhân phá hoại cơ thể con người qua nhiều loại bệnh tật khác nhau như tiểu đường và vô số bệnh khác. Đó chẳng phải là một điều trớ trêu sao?

Đang tải sách
Trang chủ