Current View
Lưu Quang Vũ mở đầu sự nghiệp cầm bút của mình bằng thơ. Đó là phần "Hương cây" trong tập "Hương cây-Bếp lửa" in chung với Bằng Việt. Ngay từ khi mới ra đời, tập thơ đã chiếm được rất nhiều cảm tình của bạn đọc và cái tên “Lưu Quang Vũ” thu hút nhiều quan tâm, ưu ái của các nhà phê bình danh tiếng. Nội lực và sức sáng tạo dồi dào của nhà thơ tiếp tục được bộc lộ qua "Mây trắng của đời tôi" (1989) và "Bầy ong trong đêm sâu" (1993) - hai tập thơ xuất bản sau khi ông đã qua đời. Với hành trình sáng tác hơn hai mươi năm, quãng thời gian không dài nhưng Lưu Quang Vũ thực sự đã là một thi sĩ tài năng, một gương mặt nổi bật của thơ Việt thời chống Mỹ và hậu chiến.

Cũng như nhiều nhà thơ cùng thế hệ, những vần thơ đầu tay của Lưu Quang Vũ là tiếng nói tha thiết yêu quê hương và gửi trao tin cậy trước cuộc đời. Có khác chăng, ở ông, giọng thơ ấy được cất lên với cung bậc trầm lắng và da diết hơn: Sao tên sông lại là Thương/ Để cho lòng anh nhớ… Đi từ những gì gần gũi, thân thương nhất để viết về quê hương, đất nước-một chủ đề lớn của thơ ca cách mạng nói chung và thơ chống Mỹ, cứu nước nói riêng; Lưu Quang Vũ ở tập thơ đầu đã tạo được dấu ấn sâu đậm về một lối viết tài hoa, nồng nàn cảm xúc. Thiên nhiên trong "Hương cây" thấm đẫm sắc hương cây cỏ của một xứ sở nhiệt đới “đẹp nắng tươi hoa”. Thiên nhiên ấy đồng nghĩa với quê hương, đất nước.

Nếu coi sự tinh nhạy của trực giác, khả năng nắm bắt hương thơm, màu sắc, âm thanh là những phẩm chất tiền sáng tạo thì Lưu Quang Vũ đã có được một bản tính thi sĩ bẩm sinh. Trong những ngày chống Mỹ sục sôi, trên những chặng đường hành quân vất vả, cảm xúc của ông vẫn thiên về sự tìm kiếm chất thơ qua hương vị đất đai, sông nước, hoa lá quê nhà. Hình hài đất nước, bản sắc Việt hiện lên trong thơ ông qua một dòng sông Thương “nước chảy đôi dòng”, “thơm ngát mật hương mùa hạ”, một phố huyện “bồi hồi bao kỷ niệm”, một thôn Chu Hưng Trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao... Song lung linh và quyến rũ nhất vẫn là Hà Nội, trái tim Tổ quốc, “niềm tin và hy vọng” chung cho tất cả mọi người và của riêng ông: Trong thành phố có một vườn cây mát/ Trong triệu người có em của ta…/ Vườn em là nơi đọng gió trời xa/ Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng/ Con nhện đi về giăng tơ trắng/ Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi… Từ cái “máy nước đầu ngõ” đến một nhịp cầu Long Biên, từ một công sự “tươi màu rau” hay lên đến tầng năm “gặp trời mây tỏa nắng”; ở đâu ông cũng nguyên vẹn một tình yêu mà ở đó hòa hợp được cái tình riêng trong cái ta chung của cuộc đời rộng lớn: Em ơi, em là Hà Nội/ Anh chưa bao giờ yêu Hà Nội như hôm nay…

Sau "Hương cây", trong khoảng mười năm, cuộc đời Lưu Quang Vũ rơi vào tình cảnh lận đận, long đong, có nhiều lúc ông đã “chạm vào bế tắc”. Dễ hiểu vì sao thời kỳ này thơ Lưu Quang Vũ có nhiều khoảng u ám, nặng nề. Thay vì lối cảm xúc tươi trong là mối hoài nghi, hoang mang: Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/ Tôi biết đi đâu tôi biết làm gì... Nhưng ở một góc độ khác, đây lại chính là một đoạn đời đầy ý nghĩa trong quá trình sáng tạo của ông. Kinh nghiệm thẩm mỹ cho thấy những bất hạnh, mất mát của đời sống ập đến bất ngờ ngoài sự mong đợi của con người lại là nơi bắt đầu của những khám phá nghệ thuật mới. Nghịch lý này dường như đã vận vào cuộc đời Lưu Quang Vũ. Nếu trước kia, thơ ông bàng bạc những sắc nắng vàng tươi, những mảng trời xanh biếc thì giờ đây không gian thơ ông bị bao bọc trong màn mưa xám mịt mù, thậm chí là “mưa đen”. Thành phố quê hương (Hà Nội), nơi lưu giữ kỷ niệm tình yêu và tuổi trẻ, giờ chỉ là nỗi xót xa: Thành phố thời anh 17 tuổi/ Viển vông, cay đắng, u buồn... Song, chính những va đập, nếm trải đó đã tạo nên những chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy nghệ thuật và hình thức diễn ngôn của Lưu Quang Vũ. Thơ ông hấp dẫn người đọc không chỉ ở khía cạnh mộng mơ, trữ tình êm dịu mà là nỗi đau, là những diễn biến nội tâm, phức tạp, không chỉ ngọt ngào, hiền lành êm ái mà là sắc điệu tự vấn, trăn trở, suy tư và đau đớn: Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui/ Nơi nghĩ đến lòng ta thanh thản nhất/ Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát/ Xin Người đừng trách giận Việt Nam ơi… Suy cho cùng, đây cũng là một tâm thế, một kiểu cảm xúc, một biểu hiện khác của tình yêu Tổ quốc, nhân dân. Khi nhà thơ cảm thấy mình trở nên bé nhỏ, cần được vỗ về, sưởi ấm và biết cúi mình trước nhân dân cũng chính là lúc tầm vóc của nhà thơ đã được nâng cao. Lưu Quang Vũ đã gửi gắm tình yêu Tổ quốc rộng lớn và vô bờ ấy qua một hình tượng thơ vừa có sức phong tỏa, vừa thăng hoa lạ kỳ: Ước chi được hóa thành ngọn gió/ Để được ôm trọn vẹn nước non này...

Như bao nhà thơ nổi danh khác, đời tư và tình yêu là một nguồn cảm hứng lớn trong thơ Lưu Quang Vũ. Ông có những cảm nhận sâu sắc về huyết thống, những vần thơ thật âu yếm và xúc động về cha, mẹ, con cái… Từ thuở rất trẻ, mười tám, đôi mươi, đắm đuối với mối tình đầu, Lưu Quang Vũ cũng đã đẩy cảm xúc đi rất xa về phía cội nguồn ruột thịt: Như hai dòng sông gặp gỡ đổi phù sa/ Nhập luồng nước hòa nhau màu sắc/ Trao cảm thương hai bàn tay nắm chặt/ Nghe máu mẹ cha chuyển giữa mỗi tay mình. Cuộc hôn nhân thứ hai của Lưu Quang Vũ với nữ sĩ Xuân Quỳnh trải 15 năm: Mười lăm mùa hè chói lọi/ Mười lăm mùa đông dài, cho đến ngày tai nạn giao thông kinh hoàng ập đến... Đây là một mối tình được hai người nói đến rất nhiều từ khi họ mới bén duyên nhau, tới “phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay” và sẽ còn lưu danh mãi mãi. Với tình yêu đôi lứa, trước sau Lưu Quang Vũ vẫn là một tâm hồn đa tình, đa cảm, mê đắm, nồng say, vừa tha thiết nâng niu hạnh phúc đời thường, vừa khao khát kiếm tìm những bến bờ mới lạ, những chân trời xa… Người thơ ấy, nếu không vì định mệnh nghiệt ngã phải rời xa cõi thế ở tuổi bốn mươi thì với nguồn năng lượng cảm xúc chan chứa, sâu thẳm trong tâm hồn, ông sẽ còn dâng tặng cho đời nhiều bông hoa tình yêu giàu hương sắc.

Hơn hai mươi năm cầm bút, Lưu Quang Vũ đã để lại một khối lượng lớn tác phẩm văn học gồm nhiều thể loại. Ông là một nghệ sĩ đa tài: “làm thơ để sống với chính mình” và “viết kịch để sống với mọi người”… Từ một cây bút tài hoa vào bậc nhất của thơ trẻ chống Mỹ, cứu nước đến nhà viết kịch nổi danh “có một không hai” của sân khấu thời kỳ đổi mới sau 1985; con đường nghệ thuật mà Lưu Quang Vũ đã đi là sự lựa chọn của riêng ông, in dấu những đam mê, thăng trầm của đời ông. Ở đó có ngọt bùi-cay đắng, yên bình-sóng gió, những hệ lụy và sự vinh danh. Trong dòng chảy của văn học Việt Nam vài ba thập niên cuối thế kỷ 20, Lưu Quang Vũ là một mẫu hình nghệ sĩ, một chân dung sinh động về tài năng và sức sáng tạo.
Trang chủ