Current View

Những giá trị văn hoá của con người là thước đo trình độ phát triển và thể hiện những đặc tính riêng của mỗi dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ sáng tạo và phát mình đó tức là văn hoá". Chính vì vậy nghiên cứu văn hoá, nghiên cứu đời sống văn hoá đối với mỗi dân tộc là nghiên cứu toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó của các dân tộc trong lịch sử xã hội. Qua đó đặng tìm ra được những đặc sắc, tinh tuý trong hệ thống giá trị truyền thống văn hoá của dân tộc để tôn vinh, phát huy lên tầm cao mới để không ngừng phục vụ tốt hơn cho cuộc sống các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trong thời đại ngày nay, bất cứ quốc gia nào muốn phát triển lâu bền đều phải xác định, ngoài yếu tố vật chất, phải đi tìm những mục tiêu, động lực từ những yếu tố tình thần, yếu tố văn hoá. Ngược lại, khi định ra chiến lược phát triển văn hoá không được tách rời chiến lược phát triển con người và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển văn hoá chính là quá trình tạo nguồn lực con người, tạo nội lực cho sự phát triển, là mục tiêu và cũng là tạo động lực vô cùng quan trọng cho thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội. Nước ta có 54 dân tộc, là 54 bông hoa rực rỡ sắc màu trong rừng hoa văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Đó cũng là nguồn lực vô giá cho sức mạnh Việt Nam trên bước đường tiếp tục đổi mới đất nước, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đảng ta đã chỉ rõ: Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc, các giá trị văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết và thuẩn phong mỹ tục của các dân tộc; tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh; khai thác các kho tàng văn hoá cổ truyền. Tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hoá của nhân loại đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hoa độc hại. Thực hiện chủ trương đó của Đảng, hiện nay trên đất nước ta đang dấy lên phong trào sôi nổi Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá mới; ngăn chặn việc phục hồi các hủ tục, khắc phục tình trạng mê tín dị đoan, du nhập văn hoá và lỗi sống phi đạo đức từ bên ngoài, làm băng hoại những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Cuốn sách Văn hoá các dân tộc Tây Bắc - thực trạng và những vấn đề đặt ra của tập thể tác giả nhóm Đề tài khoa học cấp nhà nước KX. 05 04 giai đoạn 2001 - 2005, do GS, TS. Trần Văn Bính chủ biên đã đánh giá, phân tích tương đối toàn diện, khách quan về thực trạng đời sống văn hoá của một số dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc trong công cuộc đổi mới: đồng thời dự báo xu hướng, để xuất các giải pháp vừa cơ bản, vừa cấp bách nhằm tiếp tục phát triển đời sống văn hoá các dân tộc trên địa bàn dưới tác động của quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, định hướng xã hội chủ nghĩa. Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích đối với những ai quan tâm, nhất là các nhà nghiên cứu và hoạt động trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục, văn học nghệ thuật có liên quan đến chủ để dân tộc thiểu số ở nước ta.

Trang chủ